Tỉnh táo khi lên bàn đẻ với dấu hiệu chuyển dạ, nhưng chỉ 7 phút sau chị Nguyễn Thị Hương, 40 tuổi, ở Yên Bái -, đột ngột ngừng tim.
Thấy chị Hương, mang thai lần 3, khó thở, tím tái, gọi không trả lời, nhanh chóng ngừng tuần hoàn, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Văn Yên sáng 25/7 đã tiến hành cấp cứu ép tim. 25 phút sau sản phụ nghi bị tắc mạch ối này mới có nhịp tim trở lại.
Lúc này, tim thai đã mất, khả năng mẹ tử vong rất cao trong khi lại hôn mê sau ngừng tuần hoàn, không thể chuyển tuyến, các bác sĩ quyết định mổ cứu mẹ đồng thời xin hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái -. Khi mổ, sản phụ có dấu hiệu đờ tử cung, không thể bảo tồn, các bác sĩ cắt tử cung bán phần. Bệnh nhân chảy máu ồ ạt, nhân viên y tế đã hiến 5 đơn vị máu để truyền cấp cứu. Huyết động tạm ổn định, sản phụ được chuyển lên bệnh viện tỉnh điều trị tiếp.
Bác sĩ Trần Lan Anh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái -, cho biết khi chuyển đến bệnh viện tỉnh, bệnh nhân được giữ nguyên hiện trạng từ phòng mổ đưa lên xe, các bác sĩ vừa đi vừa bóp bóng căng thẳng gần một giờ. Khi đến viện, bệnh nhân hôn mê, thở theo bóp bóng, đồng tử 2 bên giãn tối đa, không có phản xạ ánh sáng, còn phản xạ thân não, tình trạng rất nguy kịch, rối loạn đông máu nặng không đo được trên máy. Bệnh nhân lập tức được hồi sức tích cực, vận mạch liều cao, truyền dịch, lọc máu liên tục, sử dụng kháng sinh kết hợp.
Sản phụ chảy máu dữ dội, chỉ khoảng hơn một tiếng đồng hồ chảy máu đầy hai túi xông dẫn lưu. “Chúng tôi đánh giá tình trạng chết não, nhưng khi véo bệnh nhân vẫn có phản ứng đau nên quyết tâm xin hỗ trợ từ Bệnh viện Bạch Mai”, bác sĩ Lan Anh nói.
Trong thời gian chờ đợi, toàn bộ máu và chế phẩm từ máu có trong kho của khoa Huyết học, Bệnh viện tỉnh Yên Bái – đều lấy ra để cấp cứu cho bệnh nhân.
Giáo sư Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết ngay khi nhận được thông tin hỗ trợ, bệnh viện đã chỉ đạo kíp gồm bác sĩ cấp cứu, huyết học, phụ sản mang theo 36 đơn vị máu, chế phẩm máu trong đó có huyết tương tươi, tiểu cầu, xuất phát ngay trong đêm lên Yên Bái – chi viện.
“Chỉ trong một tiếng đồng hồ, các nhân viên y tế thay nhau bóp đẩy toàn bộ 36 đơn vị máu vào người bệnh nhân”, bác sĩ Lan Anh nói.
Trong 3 ngày đã có 4 kíp với gần 20 bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai liên tục lên hỗ trợ. Bệnh nhân trải qua 2 lần phẫu thuật, truyền tổng cộng 84 đơn vị máu, chế phẩm máu, luôn trong tình trạng hôn mê. Ngày 1/8, bệnh nhân cai máy thở thành công nhưng suy gan thận, chưa có nước tiểu, nhiễm trùng phổi, tiếp tục được lọc máu, điều trị tích cực.
Sáng 6/8, chị Hương thoát khỏi cơn hôn mê, nói cảm ơn các bác sĩ khi biết mình vừa bước qua cánh cửa tử thần. Chị đã tự thở, ăn được, huyết áp ổn định, tiếp tục được lọc máu đào thải chất độc và chăm sóc dinh dưỡng tại khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái -.
“Các bác sĩ đã trải qua 7 ngày căng thẳng đến nghẹt thở để cứu chị ấy”, giám đốc bệnh viện chia sẻ.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tắc mạnh ối một biến chứng sản khoa hiếm gặp, cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ 1-2 ca trong 100.000 ca sinh, 90% tử vong. “Biến chứng này không thể dự phòng được”, bác sĩ Chi khẳng định.
Nguyên nhân tắc mạch ối do nước ối, tóc, bọt khí hoặc mảnh mô chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn của sản phụ dẫn đến suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính. Nước ối là dịch nằm trong buồng ối, bao quanh thai nhi nằm trong tử cung. Sản phụ khi sắp đẻ sẽ bị vỡ ối, một phần nước ối chảy ra ngoài. Biến chứng xảy ra khi một lượng nước ối chứa các tế bào màng ối, tế bào bong ra từ thai nhi, mảnh của mô phôi, tóc, nước ối lọt vào tuần hoàn của mẹ rồi lên phổi làm nghẽn các động mạch phổi.
Biến chứng khởi đầu là suy hô hấp ở sản phụ, tím tái đột ngột trong vài phút, tiếp theo là tụt huyết áp, phù phổi, choáng, biểu hiện thần kinh là mất ý thức, lú lẫn và co giật.
“Ca này là kỳ tích của ngành y tế Yên Bái -, sự hợp tác thành công giữa tuyến dưới và tuyến trên”, Phó giáo sư Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá.