YBĐT – Người tiêu dùng ăn gạo chất lượng cao của Mường Lò (Văn Chấn – Nghĩa Lộ) đều khẳng định gạo ngon không kém, thậm chí hơn hẳn gạo cùng loại sản xuất ở nơi khác bởi những lợi thế riêng có của Mường Lò về khí hậu, thổ nhưỡng và hàm lượng khoa học – kỹ thuật kết tinh trong quy trình làm ra hạt gạo ngày càng cao.
Mỗi năm, nông dân vùng cánh đồng Mường Lò làm ra trên dưới 50.000 tấn thóc, một phần không nhỏ đã thành hàng hóa bán ra thị trường. Yên Bái có hàng chục hộ kinh doanh gạo Mường Lò, chỉ tính riêng một hộ ở thị xã Nghĩa Lộ một năm cũng mua vào, bán đi trên dưới 1.200 tấn gạo, gần nửa trong số đó là gạo chất lượng cao được sản xuất bởi các giống lúa DDS1, Ngọc Sương, Hương Chiêm…. Gạo Mường Lò ngon và ngon có tiếng nhưng không phải ai cũng biết mình đang ăn gạo ngon của Mường Lò vì thế nên hạt gạo Mường Lò đang ấm ức lắm!
Hạt gạo mà biết ấm ức ư? Không, chính là những nhà quản lý, chỉ đạo sản xuất địa phương; những người kinh doanh gạo ngon của Mường Lò ” ấm ức” vì hàng tỷ tỷ hạt gạo chất lượng cao Mường Lò muốn bán buộc phải mang tên gạo tỉnh khác. Người tiêu dùng ấm ức vì ăn gạo ngon Mường Lò lại phải nghĩ mình đang ăn gạo ngon ở mãi đâu.
Nông dân càng ấm ức vì “giọt giọt mồ hôi đổ xuống đồng” làm ra hạt gạo ngon cho đời mà chẳng ai biết đến. Nỗi ấm ức của hạt gạo Mường Lò có nhiều nguyên cớ, suy cho cùng đều từ sự thiếu liên kết hiệu quả trong sản xuất, làm ăn mà ra cả. Vùng sản xuất lúa hàng hóa trên 1.200 ha nhờ đưa vào sản xuất các giống lúa như: Séng Cù, Hương Chiêm, Ngọc Sương, DDS1, GO1… với giá bán một kg thóc, gạo gấp từ 1 – 1,5, thậm chí gấp 2 lần so với giá bán các loại thóc, gạo giống khác đã tạo ra những sản phẩm hàng hóa giá trị cao trên một diện tích canh tác.
Thế nhưng, việc tìm kiếm, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ và mở rộng thị trường tiêu thụ gạo Mường Lò còn chậm chạp. Mỗi năm, chỉ vài trăm tấn gạo chất lượng cao Mường Lò có mặt ở thị trường Hà Nội; cánh đồng lúa thứ hai Tây Bắc này vẫn chưa hình thành một một vùng sản xuất gạo công nghệ cao với sự có mặt và liên kết bền vững của doanh nghiệp. Liên kết làm ăn với bên ngoài tiến triển chậm và có thể cần nhiều thời gian hơn vẫn tưởng nhưng liên kết giữa hai địa phương này còn chậm hơn nhiều.
Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ nằm trong cánh đồng Mường Lò, đất liền đất, ruộng liền thửa, cơ bản tương đồng về vị trí địa lý, điều kiện tư nhiên, phân bố dân cư… nhưng thiếu hẳn sự liên kết khai thác tốt tiềm năng của từng địa phương, tạo thị trường chung, phân định mức sản lượng, giá cả cho từng loại sản phẩm và quản lý mạng lưới cung ứng giống, dịch vụ nông nghiệp.
Việc tìm kiếm, xúc tiến để đi đến liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, hình thành vùng sản xuất công nghệ cao mỗi địa phương một hướng khác nhau; chỉ đạo cơ cấu giống theo mùa vụ mỗi nơi khác nhau; kết quả, chất lượng, giá trị phẩm cấp hàng hóa sản xuất khác nhau. Nông dân làm lúa hàng hóa điều đầu tiên họ quan tâm là thị trường tiêu thụ, cho tới nay hầu hết nông dân làm lúa chất lượng cao, nhiều hộ có tư tưởng tiến bộ, tính toán liên kết sản xuất vẫn chưa biết ai mua, bán cho ai, giá bao nhiêu cho dù đã thấm nhuần lợi ích kinh tế và khuyến cáo của chính quyền các địa phương. Dẫn đến, kế hoạch sản xuất, chỉ đạo về giống, mùa vụ nhiều nơi trong vùng bị phá vỡ do nông dân tự phát; do dịch vụ cung ứng giống theo hợp đồng không được thực hiện kịp thời, nghiêm túc; một số cánh đồng trong một mùa vụ cấy cả chục giống lúa khác nhau kéo theo nhiều hệ lụy…
Những hạn chế, tồn tại đó, lãnh đạo các địa phương có thể đã biết, nhưng chưa thấy ai khởi xướng việc ngồi lại bàn tính, thống nhất để cùng nhau khai thác tốt lợi thế của Mường Lò. Có thể không quá khó, nhưng tính gì thì tính cũng vẫn chỉ tầm địa phương, để vựa lúa lớn thứ hai vùng Tây Bắc thực sự trở thành vùng trọng điểm lúa hàng hóa chất lượng cao của Yên Bái và khu vực, ở tầm chiến lược tỉnh cần có một cơ chế, chính sách, chỉ đạo riêng cho vùng sản xuất lúa hàng hóa Mường Lò.
Tỉnh cũng nên chỉ ra một “nhạc trưởng” giữ vai trò chỉ đạo sản xuất, điều phối thống nhất từ cung ứng giống và dịch vụ nông nghiệp cho vùng Mường Lò; các ngành cần tập trung hỗ trợ các địa phương trong tìm kiếm, xúc tiến đầu tư, liên doanh liên kết để ổn định, mở rộng thị trường cho sản phẩm gạo hàng hóa, chất lượng cao để sản xuất lúa hàng hóa ở Mường Lò tương xứng với tiềm năng, lợi thế, danh tiếng. Hạt gạo Mường Lò khi đó chắc sẽ không còn ấm ức!
Tuấn Anh