YBĐT – Gần đây, huyện Trấn Yên (Yên Bái) thường xảy ra hiện tượng ao cá, ba ba, vườn chè của một số gia đình bị chết hàng loạt. Người dân không khỏi hoang mang, bởi nguyên nhân chưa được ngành chức năng điều tra làm rõ.
Trường hợp đầm nuôi cá nhà ông Cấn Đình Quyền ở xã Nga Quán là một ví dụ. Ông Quyền vốn là hộ nghèo nên được xã tạo điều kiện cho thầu đầm thả cá trắm, chép, trôi, mè. Toàn bộ tài sản vay mượn ông đổ cả vào nuôi cá. Thật trớ trêu khi tháng 4/2011, cá nhà ông Quyền bỗng nhiên chết hàng loạt, 7 tạ cá nổi trắng đầm mà không rõ nguyên nhân.
Không bỏ nghề nuôi cá, ông Quyền thay nguồn nước và vay mượn tiếp 10 triệu đồng mua cá giống về nuôi, nhưng tai họa lại ập đến khi 2 tấn cá trị giá gần 100 triệu đồng sắp đến ngày thu hoạch cũng đồng loạt chết nổi trắng mặt đầm. Lần này ông quyết báo chính quyền xã với mong muốn được điều tra làm rõ nguyên nhân cá chết do nguồn nước ô nhiễm, bị nấm bệnh hay có người xấu bụng làm hại….
Song, trái với suy nghĩ của ông, xã chỉ đến kiểm tra, động viên và…chia sẻ, còn ngành chức năng cũng chỉ dừng lại ở ở chỗ cho rằng có kẻ ghen tức với gia đình ông nên thả thuốc hoá học xuống đầm.
Mới đây, vào sáng 15/7/2013, cá trắm, chép, trôi, mè, rô phi và ba ba trong ao nuôi có diện tích hơn 300m2 của nhà chị Vũ Thị Liên ở thôn Khe Ngay, xã Bảo Hưng cũng đồng loạt bị chết nổi lên mặt nước.
Tại khu vực ao cá thì nồng nặc mùi thuốc hoá học. Đau xót ngậm ngùi, gia đình chị nhờ anh em hàng xóm đào hố chôn toàn bộ số cá và ba ba để tránh ô nhiễm môi trường. Sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó khi 3 ngày sau gia đình chị lại phát hiện khoảng 1/3 diện tích chè Bát Tiên rộng hơn 8 sào bị héo úa và cháy xém. Vậy là diện tích chè này sẽ phải đốn ngọn và không thể cho thu hoạch trong năm nay. Tính sơ sơ, tổng giá trị thiệt hại từ cá, ba ba và chè của chị Liên lên tới trên 30 triệu đồng.
Giống như trường hợp gia đình ông Quyền, chị Liên cũng chỉ biết báo và trông chờ vào chính quyền cùng công an xã giải quyết. Kết cục, chị Liên cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung là “Nhiều khả năng ao cá bị bỏ thuốc sâu, còn diện tích chè bị kẻ xấu phun thuốc diệt cỏ”.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp các hộ dân ở Trấn Yên “tự nhiên” bị thiệt hại về kinh tế với giá trị lớn mà không rõ nguyên nhân, còn những vụ việc khác “nho nhỏ” như: chém trâu, bò, phun thuốc trừ cỏ làm cháy lúa, ngô… thi thoảng mới có vụ người dân tìm ra thủ phạm.
Lòng dân bất an, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi: liệu có phải do tư thù cá nhân hay do cá, ba ba bị mắc bệnh, chưa kể nguyên nhân có thể do nhiều hộ dân phun thuốc trừ sâu cho lúa hoặc chè đầu nguồn nước vào các ao cá?… Cho dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì tình trạng này cần phải được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng của Trấn yên vào cuộc điều tra làm rõ, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, góp sức hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Đào Minh