YBĐT – Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và Yên Bái nói riêng, mỗi dân tộc có phong tục và tập quán khác nhau. Ngày tết cũng khác nhau nhưng căn bản giống nhau là đều tổ chức dịp kết thúc một năm làm ăn, sản xuất với các nghi thức kết tụ lâu đời như thờ cúng tổ tiên, trời đất…
Xưa, Tết và những sinh hoạt của nó gắn liền với tập quán của nền sản xuất mang tính thời vụ, phụ thuộc sâu sắc vào thiên nhiên. Tết thường diễn ra trong ba ngày, từ mùng 1 đến hết mùng ba. Tết chính chỉ ba ngày nhưng chơi tết thường kéo dài.
Tết của đồng bào dân tộc Kinh, có nơi kéo dài đến hết tháng Hai. Ở miền núi, đồng bào các dân tộc như Mông, Dao, Thái, Mường… ăn tết, chơi tết có nơi tới tháng Ba, tháng Tư.
Vui tết, chơi “kỹ” như vậy là do tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu quy định. Vùng cao, tập quán sản xuất lạc hậu, thời tiết không thuận lợi nên đồng bào thường bỏ không đất đai, ăn tết, chơi tết. Ăn tết, chơi tết nhưng không vui vì có nơi đồng bào thiếu đói dài, ruộng nương bỏ bê, phải đi kiếm ăn, làm thuê rất vất vả.
Tết nay đã khác. Gắn liền với công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đời sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam, trong đó có Yên Bái ngày càng được cải thiện, nâng cao nhờ những thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, sản xuất, sinh hoạt.
Nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu thay đổi khá căn bản theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm làm ra đã kết tinh hàm lượng khoa học kỹ thuật, mang tính bền vững. Cơ cấu cây trồng, mùa vụ từ chỗ chỉ sản xuất một vụ nay đồng bào đã làm lúa hai vụ; trồng ngô vụ đông; sản xuất chuyên canh, tạo khối lượng sản phẩm lớn có giá trị và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Sự thay đổi căn bản của nền sản xuất đã tác động mạnh và có tác dụng đẩy lùi tập quán và phong tục lạc hậu. Tết vui hơn nhưng thời gian chơi tết cũng giảm đi, ăn tết xong đồng bào tập trung vào sản xuất, làm ăn, học hành.
Tuy nhiên, việc ăn tết và chơi tết có cũng còn mặt chưa tiến bộ. Một số nơi, còn ảnh hưởng khá nặng nề phong tục sinh hoạt cũ lạc hậu. Đặc biệt, ở vùng cao phía Tây của Yên Bái, đồng bào còn duy trì khá phổ biến việc ăn tết của dân tộc mình (trước tết Nguyên đán từ 1,5 – 2 tháng) kéo dài. Có nơi, đồng bào chi phí cho tết rất lãng phí; sản xuất đình trệ vì nghỉ tết quá dài; gia đình khó khăn, có nhà thiếu ăn vì tết; con cháu phải nghỉ học, nghỉ làm, đi lại vất vả và tốn kém…
Tết của đồng bào chỉ cách tết Nguyên đán – tết chính thức của dân tộc Việt Nam 1 – 2 tháng, tại sao không vận động đồng bào ăn một tết cùng cả dân tộc? Thực tế một vài năm qua, một số địa phương ở vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải bà con đã ăn tết cùng dân tộc. Ở xã Trạm Tấu (Trạm Tấu), Nậm Có (Mù Cang Chải)… người Mông đã ăn tết Nguyên đán rất vui vẻ, phấn khởi và tiết kiệm, niềm vui và ích lợi đều nhân đôi.
Việc vận động đồng bào ăn một tết là có thể thực hiện được; các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, mỗi cán bộ,đảng viên phải tăng cường, tích cực vận động, thuyết phục, hướng dẫn, giúp đỡ để đồng bào nhận thấy rõ cái tốt, cái lợi để làm theo; thấy rõ cái lạc hậu để từ bỏ. Việc vận động, tuyên truyền, thuyết phục chú trọng thực tiễn, dựa vào đồng bào để thuyết phục, vận động đồng bào.
Mục đích là, những nghi thức ngày tết của từng dân tộc được giữ gìn, bảo tồn; những cái hay, cái đẹp của phong tục được phát huy. Ăn một tết sẽ trở thành nét đẹp văn hóa mới của cộng đồng các dân tộc ở vùng cao Yên Bái.
Giàng A