YênBái – YBĐT – Nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa Tây Bắc và trung du Bắc Bộ, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn Yên Bái luôn được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay, Yên Bái đã có 4 tuyến quốc lộ là: 70, 37, 32, 32C với tổng chiều dài qua địa bàn là 375 km; 11 tuyến tỉnh lộ 424 km.
Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, hiện nay đã có 3,6% chiều dài quốc lộ đạt tiêu cấp III kết hợp đô thị và 91,7% đạt cấp IV miền núi, còn lại là cấp V. Đối với tuyến tỉnh lộ, đã có 3,4% chiều dài đạt tiêu chuẩn đường đô thị, 1,1% đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi, 38,4% đạt cấp V, còn lại là cấp VI. Cùng với các tuyến đường giao thông huyết mạch nối Yên Bái với các tỉnh bạn, đến nay toàn tỉnh đã có 5.506 km đường giao thông nông thôn, 100% số xã đã có đường ô tô tới trung tâm. Giao thông phát triển đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển, góp phần giữ vững và củng cố an ninh – quốc phòng.
Tuy nhiên, công bằng mà nhìn nhận, dẫu đã phát triển nhưng do nhiều nguyên nhân mà đến nay hệ thống đường giao thông Yên Bái vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển. Nhiều tuyến đường, cây cầu tuổi thọ đã quá cao, được thiết kế với trọng tải thấp, kết cấu mặt đường, nền đường yếu lại không được bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời do không có vốn hay vốn ít, đã xuống cấp nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều chủ phương tiện vì lợi nhuận đã sử dụng xe vận tải cỡ lớn, cơi nới thùng ngầm, vận chuyển hàng hoá quá mức tải trọng xe cho phép tới vài lần làm những tuyến đường, cây cầu đã yếu lại càng thêm rệu rã. Bài học từ cầu Đát Hùng trên tuyến Yên Thế – Vĩnh Kiên hai lần sập trong thời gian ngắn là một minh chứng.
Cùng với sự tàn phá của con người, đường và cầu còn chịu sự tác động mạnh mẽ của thiên nhiên. Cơn bão số 4 vừa qua đã gây ảnh hưởng nặng nề đến kết cầu hạ tầng giao thông vận tải. Nhiều tuyến đường, cầu trên tuyến: Yên Bái – Khe Sang, Yên Thế – Vĩnh Kiên, Quy Mông – Đông An, Mậu A – Tân Nguyên, quốc lộ 37, 32… bị ngập trong nước, sạt lở, tụt mố nguy cơ sạt, sập, tắc tuyến có thể bất cứ lúc nào. Để đối phó với tình trạng trên, cơ quan chức năng chỉ còn cách cắm biển thông báo “cầu sập, đường yếu”.
Giao thông như mạch máu trong cơ thể con người, phương tiện giao thông là những hạt máu đi nuôi cơ thể. Do cầu yếu, đường yếu mà nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân là những nhà sản xuất, làm công tác vận tải đã điêu đứng vì phương tiện không thể lưu thông! Để mạch máu giao thông thông suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển là một vấn đề cấp bách đang đặt ra cho các cấp, các ngành và cơ quan chức năng. Vì vậy, trước mắt để đảm bảo an toàn, tỉnh cần có sự đầu tư đúng mức để gia cố, sửa chữa những cây cầu, đoạn đường đã quá cũ, yếu.
Đặc biệt những cây cầu, đoạn đường do địa phương quản lý đã nêu trên… Các lực lượng chức năng như: thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phát hiện, kiên quyết hạ tải những phương tiện quá khổ quá tải trên những tuyến đường cấm. Về lâu dài, tỉnh cần có giải pháp để kêu gọi đầu tư nhằm nâng cấp tất cả các tuyến đường, cây cầu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chủ phương tiện trong việc bảo vệ công trình giao thông.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuần tra xử lý những vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là lỗi quá khổ quá tải. Đường giao thông thông suốt, chất lượng cao mới giải quyết được mâu thuẫn giữa sự phát triển và an toàn.
Nguyễn Đình