YBĐT – Vào mùa khô năm nào cũng thế, cứ từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau trên địa bàn tỉnh thường xảy ra cháy rừng. Mức độ thiệt hại hàng năm có khác nhau nhưng để xảy ra cháy rừng không chỉ thiệt hại nặng nề về kinh tế mà còn làm cho môi trường sống bị suy thoái.
Nguyên nhân chính xảy ra cháy rừng một phần do khí hậu thời tiết khắc nghiệt, một phần do đồng bào vùng cao có tập quán đốt nương làm rẫy. Nếu không có biện pháp phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR) thì tốc độ trồng rừng không thể bù đủ cho diện tích rừng bị cháy.
Trong những năm qua, công tác PCCCR được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Trước mùa khô hanh, các địa phương thường chủ động việc xây dựng kế hoạch PCCCR sát với tình hình thực tế địa phương. Thành lập các ban chỉ huy PCCCR từ tỉnh đến cơ sở, củng cố lại các tổ, đội xung kích bảo vệ rừng. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng (BVR) và PCCCR trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hàng năm, ký cam kết với các hộ dân về PCCCR và xây dựng quy ước BVR ở các thôn bản. Từ đó, đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức ở cơ sở về công tác PCCCR. Phương án diễn tập ứng cứu cháy rừng ở các địa phương đã sát với thực tế. Bên cạnh đó là thường xuyên củng cố hệ thống mạng lưới dự báo, cảnh báo cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, về mùa khô thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài cùng tác động của gió lào những cành cây, tán lá và những thảm thực vật khô ron. Những cánh rừng ở các huyện thị phía Tây của tỉnh như: Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu chỉ cần một tàn lửa nhỏ cũng đủ gây ra những vụ cháy nghiêm trọng. Khi xảy ra cháy rừng thì rất khó để dập tắt vì địa hình hiểm trở, phương tiện chữa cháy còn thô sơ.
Bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn PCCCR là: “Phòng là chính – cứu chữa kịp thời”, không để cháy lan và chủ động tổ chức huy động lực lượng theo phương án 4 tại chỗ. Do đó, để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngay từ bây giờ các địa phương cần kiện toàn Ban chỉ đạo PCCCR các cấp, xây dựng quy chế phân công nhiệm vụ cho các thành viên cụ thể, chủ động kiểm tra sát sao PCCCR.
Các huyện, thị cần xác định rõ các vùng trọng điểm cháy rừng ở từng địa phương đặc biệt là các xã vùng cao để có phương án PCCCR hiệu quả. Tăng cường kiểm tra các phương án PCCCR ở các địa phương; nâng cao năng lực cảnh báo dự báo cháy rừng; đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy. Đối với các xã vùng cao nơi bà con có tập quán đốt nương làm rẫy, lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương thống kê diện tích nương rẫy, hướng dẫn đốt nương theo đúng trình tự kỹ thuật.
Về lâu dài, để giảm áp lực vào rừng, cần tiếp tục quy hoạch diện tích sản xuất nương rẫy, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đầu tư thủy lợi, khai hoang ruộng nước, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác để ngăn chặn tình trạng phá rừng làm nương rẫy.
Văn Thông