YBĐT – Yên Bái là tỉnh miền núi, 30 dân tộc anh em chung sống, dân số khoảng 75 vạn người. Trong đó, đồng bào các dân tộc: Tày, Dao, Thái, Mông… chiếm 53,7% dân số.
Thực hiện lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc Yên Bái đã đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, loại bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu với nhiều cách làm hay, mô hình tốt, rất đáng biểu dương, hoan nghênh. Kết quả và những thành tựu đạt được trong xây dựng đời sống văn hóa mới là to lớn và quan trọng. Tuy nhiên, ở không ít vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn vẫn tồn tại những tập quán, phong tục lạc hậu, thậm chí tới mức hủ tục nặng nề.
Khá phổ biến là việc tổ chức cưới hỏi, ma chay dài ngày, lãng phí. Trong cưới hỏi, vẫn tồn tại việc thách cưới, góp hồi môn, ăn cưới linh đình. Trong ma chay, một số nơi vẫn để người chết trong nhà dài ngày, không cho vào quan tài, bón cơm cho người chết…
Đáng quan tâm, không ít dòng họ, gia đình coi trọng lễ nghi, cúng bái tới mức mê tín; có gia đình, dòng họ khi có người thân chết không tổ chức an táng tại địa bàn cư trú mà tìm nơi chôn cất cách xa địa bàn cư trú hàng chục cây số. Đất dù ở đâu cũng đều đã có chủ, do vậy, có gia đình phải khiêng người chết đi đêm, xuyên rừng, gọi là chôn trộm – nếu không được phát hiện, có biện pháp xử lý kịp thời sẽ rất phức tạp.
Phong tục đã thành hủ tục đang tồn tại tới mức báo động ở vùng đồng bào dân tộc (chủ yếu là dân tộc Mông) là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Năm ngoái, một khảo sát độc lập của cơ quan chức năng trong vùng Dự án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Yên Bái đưa ra con số: trong 260 cặp kết hôn thì có tới 111 cặp tảo hôn và chỉ có 185 cặp có đăng ký kết hôn. Hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là hết sức nghiêm trọng: suy yếu giống nòi, con người kém hoàn thiện về thể chất…
Cùng với những hủ tục nổi cộm trên, trong đời sống hiện nay vùng đồng bào dân tộc ít người cũng còn rơi rớt, tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu, tuy không tới mức thành hủ tục, nặng nề những cũng có vai trò như những lớp rào cản trở sự đổi mới, phát triển đi lên: bắt con rể phải đến ở rể để “trả công” nuôi con gái; không cho con gái đến trường học chữ hoặc không cần học lên cao; tục “cướp vợ” thành cướp vợ có tính cưỡng bức…
Có thể khẳng định rằng, những phong tục, tập quán lạc hậu đã và đang được loại bỏ, bài trừ và những hủ tục nặng nề như đã nêu chiếm tỷ lệ không lớn nếu xét trên bình diện chung. Nhưng xét ở những vùng miền, dân tộc độc lập thì một số phong tục, tập quán đã nặng nề tới mức thành hủ tục mà chưa được bài trừ, xóa bỏ hiệu quả.
Như trên đã đề cập, đó là việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tổ chức ma chay ở vùng đồng bào dân tộc Mông. Điều đó cho thấy, những luật tục cực kỳ lạc hậu vẫn có cơ hội tồn tại, thậm chí ăn sâu, bám chặt trong nhận thức, tiềm thức người dân; nó cũng phản ánh một phần chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, vận động của các cấp các ngành với người dân vùng dân tộc, vùng cao trong xây dựng đời sống văn hóa mới.
Trong các giải pháp đề ra thì tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục là rất quan trọng và quan trọng hàng đầu. Việc phổ biến kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc, vùng cao thời gian qua có một số kết quả tốt nhưng cũng bộc lộ không ít hạn chế, có nơi kết quả, hiệu quả rất thấp. Cản trở chính là thiếu phương pháp phổ biến, tuyên truyền; bất đồng ngôn ngữ; thiếu cán bộ tận tâm và thiếu kinh phí. Giải quyết vấn đề này, cần tăng cường các hình thức, đổi mới phương thức; tăng cường phối hợp phổ biến, tuyên truyền giáo dục kiến thức pháp luật cho người dân.
Trong đó, cần xác định vùng miền, đối tượng, vấn đề trọng tâm và có chuyên gia tốt, kinh phí đủ để nâng cao chất lượng tuyên truyền giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật. Tuyên truyền là quan trọng nhưng cần bắt đầu từ đối tượng nào? Thiết nghĩ, nên bắt đầu từ việc tác động làm thay đổi nhận thức, trước hết tập trung vận động những vị cao niên, già làng, trưởng dòng họ vì chính họ là những người tham gia, chỉ đạo, định hướng khá toàn diện nhận thức, việc làm của con cháu, anh em, người thân trong gia đình, dòng họ; trong đó, có việc ma chay, cưới xin.
Cùng với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, cần chú trọng tới việc xây dựng các mô hình, điển hình tại các làng bản, thôn xóm; lồng ghép và đưa các nội dung về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bài trừ các tập tục lạc hậu; xây dựng làng bản văn hóa; xây dựng quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Để bài trừ các phong tục, tập quán lạc hậu hiệu quả, cần đề cao hơn nữa, vai trò, trách nhiệm và tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên rất quan trọng. Do vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần làm tốt việc quản lý, giáo dục, kiểm tra, biểu dương những cán bộ đảng viên gương mẫu, xử lý kỷ luật cán bộ đảng viên vi phạm theo quy định của Đảng và Nhà nước. Như vậy, để giải quyết một tồn tại có những điểm “đặc thù” nêu trên ở vùng đồng bào các dân tộc ít người, vùng cao, cần có sự chung tay, chung sức và trách nhiệm, quyết tâm rất cao của nhiều cấp ngành, đoàn thể một cách thường xuyên, liên tục, kiên trì, không nóng vội với sự linh hoạt, đổi mới về phương pháp, cách thức cho phù hợp với mỗi dân tộc, vùng miền thì mới có hiệu quả bền vững.
Tuấn Anh