YênBái – YBĐT – Hệ thống bán hàng đa cấp lâu nay đã không còn xa lạ đối với người dân ở những thành phố lớn. Và cũng đã không ít lần các cơ quan báo chí lên án một số công ty dưới hình thức này đã có hành vi lừa bịp trong kinh doanh để kiếm lời. Khi đã khó có thể “kiếm ăn” ở các đô thị, giờ đây hệ thống này lại len lỏi đến vùng sâu, vùng xa mà huyện Văn Chấn là một địa bàn điển hình, nhằm “móc túi” bà con đồng bào dân tộc thiểu số vốn đã nghèo lại thiếu hiểu biết.
Hệ thống bán hàng đa cấp lâu nay đã không còn xa lạ đối với người dân ở những thành phố lớn. Và cũng đã không ít lần các cơ quan báo chí lên án một số công ty dưới hình thức này đã có hành vi lừa bịp trong kinh doanh để kiếm lời. Khi đã khó có thể “kiếm ăn” ở các đô thị, giờ đây hệ thống này lại len lỏi đến vùng sâu, vùng xa mà huyện Văn Chấn là một địa bàn điển hình, nhằm “móc túi” bà con đồng bào dân tộc thiểu số vốn đã nghèo lại thiếu hiểu biết.
Sự bình yên vốn có của xã vùng cao Nậm Mười đang bị xáo trộn bởi cơn bão có tên là “đa cấp”. Vài tháng trở lại đây, đồng bào dân tộc Dao nơi đây xôn xao khi nhắc tới một hình thức “kinh doanh mới” và chuyện “bán hàng đa cấp” với một công ty đem lại công việc nhàn hạ với mức lương cao đang là chủ đề nóng được mọi người bàn tán.
Anh Bàn Kim Hín ở bản La Háo Pành, xã Nậm Mười là một trong những người tiên phong tham gia vào một công ty mang một cái tên khá hấp dẫn: Thiên Ngọc Minh Uy. Anh Hín đã không ngần ngại bỏ ra trên 3,2 triệu đồng mua sản phẩm máy khử ôzôn để trở thành nhân viên chính thức của Công ty. Trong tháng 7/2009 vừa qua, anh vô cùng phấn khởi bởi đã nhận được “mức lương” hơn 4 triệu đồng, ngoài ra còn được nhận một món quà và một chuyến tham dự “hội thảo” ở Hà Nội. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là để nhận được mức lương cao như vậy, anh Hín đã phải vận động 4 người tham gia Công ty. Trong khi chưa thể vận động được người ngoài tham gia thì anh Hín lần lượt vận động vợ, em trai và anh em trong họ tộc mình với số tiền bỏ ra để “mua hàng” lên đến gần 14 triệu đồng.
Một trong 4 người được anh Hín vận động tham gia Công ty là anh Bàn Kim Minh. Anh Minh đã quyết định thử vận may của mình bằng cách bỏ ra 3,7 triệu đồng mua hai sản phẩm là bếp từ và nồi cơm điện. Cả tháng nay, anh Minh đã đầu tư rất nhiều thời gian, bỏ bê cả công việc ở nhà để đi vận động nhưng chưa hề có ai tham gia vào cái gọi là “công ty” của anh. Điều đó đồng nghĩa với việc anh Minh chưa thể nhận được một đồng thù lao nào.
Những lời giới thiệu đầy hấp dẫn về công việc và mức lương cao đã đánh vào tâm lý những người dân nghèo thiếu hiểu biết. Rất nhiều người đã nhẹ dạ đã muốn thử “đổi đời” thông qua bán hàng đa cấp và chị Bàn Thị Pham ở thôn Bó Sưu, xã Nậm Mười là một trong số đó. Được một số chị em ở cùng thôn giới thiệu, chị Pham đã thuê xe ôm nhiều lần xuống tận trung tâm huyện tham gia, nhưng với khả năng kinh tế của gia đình thì không thể một lúc có đủ 3 triệu đồng, chị đã chọn giải pháp mua hàng “trả góp”. Kết quả, chị Pham cũng gặp rất nhiều phiền phức khi mà chưa trở thành thành viên chính thức và đành phải bỏ cuộc.
Chỉ cách trung tâm huyện lỵ chưa đầy 12km, xã vùng cao Suối Giàng hẳn không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng của cơn bão “đa cấp”. Tuy vấn đề chưa thực sự nổi cộm như ở Nậm Mười nhưng cũng đã thành chuyện cửa miệng của những người dân. Hàng tuần, vẫn có hàng chục lượt người lũ lượt kéo từ các thôn, bản xuống trụ sở của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy ở trung tâm huyện để tham gia vào các buổi thuyết trình.
Hiện chưa có số liệu thống kê xem có bao nhiêu người dân trên địa bàn huyện Văn Chấn bị cuốn vào vòng xoáy của cơn bão bán hàng đa cấp. Chỉ biết, phần đa các xã, thị trấn ít nhiều đều có người tham gia. Tệ hại thay, hầu hết người dân tham gia vào các công ty bán hàng đa cấp là người nghèo, kém hiểu biết, khi đã mắc vào thì khó có thể thoát ra được bởi số tiền bỏ ra để mua một sản phẩm là tiền dành dụm hoặc đi vay mượn hay bán tài sản trong gia đình, thậm chí còn dùng cả tiền vay ngân hàng. Vấn đề này, chính quyền ở nhiều xã, thị trấn đã nắm được nhưng vẫn còn đang lúng túng chưa biết giải quyết thế nào, mới chỉ dừng lại ở việc báo cáo và chờ cấp trên.
Công ty Thiên Ngọc Minh Uy vào hoạt động trên địa bàn huyện Văn Chấn chưa lâu nhưng đã có rất nhiều dấu hiệu không minh bạch trong phương thức kinh doanh của mình. Được biết, công ty này vào Văn Chấn nhắm vào các đối tượng thanh niên chưa có công ăn việc làm ở các xã vùng sâu, vùng xa nhằm đào tạo họ thành một mạng lưới đầu mối để về vận động chính người dân tộc mình tham gia. Anh Lộc Văn Tiệp, thôn Bản Hốc, xã Đồng Khê, một trong những người đã từng tham gia vào Công ty Thiên Ngọc Minh Uy hiện đang gặp rất nhiều rắc rối. Anh Tiệp tâm sự: “Sau khi mua sản phẩm của Công ty trở về nhà không được sự đồng ý của gia đình, tôi đã mang hàng đến trả lại, nhưng không được đại diện của Công ty giải quyết; họ còn giao hẹn muốn lấy lại tiền phải tìm người khác thay thế, Công ty mới xem xét giải quyết!?”.
Sự ưu việt trong kinh doanh của Công ty như đã quảng bá chưa thấy đâu nhưng đã và đang làm xáo trộn cuộc sống vốn bình yên của nhân dân các xã vùng cao Văn Chấn. Trong khi chúng tôi thực hiện bài viết này, hàng ngày vẫn có rất nhiều người tham gia vào các buổi thuyết trình và tiếp tục mắc vào vòng xoáy “đa cấp”. Phải chăng đã có hình thức kinh doanh trá hình lợi dụng hình thức bán hàng đa cấp để trục lợi bất hợp pháp? Câu hỏi này đang rất cần được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra để làm rõ. Đồng thời, cần có những giải pháp hữu hiệu để nhân dân huyện Văn Chấn nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao nói chung tránh được tình trạng dở khóc dở cười như hiện nay.
Văn Trường – Nguyễn Nghĩa