YênBái – YBĐT – Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, sức ép cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu diễn ra ngày càng gay gắt. Sản phẩm chè búp khô sản xuất ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đang ở trong bối cảnh chung đó.
Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI đã nêu: “…Tập trung thâm canh nâng cao chất lượng vùng chè, đưa giống chè có năng suất, chất lượng cao vào thay thế dần giống chè cũ già cỗi và đưa giống chè Shan vào trồng ở vùng cao; giữ ổn định diện tích chè 13.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 80.000 tấn trở lên”. Trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển chè như chính sách hỗ trợ trồng và cải tạo diện tích chè chất lượng kém ở vùng thấp; hỗ trợ trồng giống chè Shan có năng suất, chất lượng tốt ở các huyện vùng cao.
Kết quả sản xuất, kinh doanh chè năm 2006 cho thấy đã có nhiều tín hiệu đáng mừng: năng suất chè bình quân đạt 62 tạ/ha, tổng sản lượng chè búp tươi của tỉnh lần đầu tiên đạt 65.000 tấn, tăng 4.500 tấn so với cùng kỳ. Người trồng chè phấn khởi, gắn bó với cây chè. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để phát triển cây chè bước đầu phát huy được hiệu quả, đã có nhiều mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật đưa giống chè mới vào sản xuất, thâm canh chè sạch (IPM)… mang lại hiệu quả rõ rệt góp phần đưa năng suất đạt trên 90 tạ/ha.
Song bên cạnh những kết quả rất đáng khích lệ của công tác trồng chè, thì khâu chế biến chè ở Yên Bái lại còn rất nhiều hạn chế. Qua kết quả điều tra đánh giá trình độ công nghệ tại các cơ sở chế biến chè năm 2006 toàn tỉnh có 76 cơ sở chế biến chè với công suất từ 3 tấn chè búp tươi/ngày trở lên và nhiều cơ sở chế biến chè mini, với tổng công suất chế biến lớn hơn 2 lần sản lượng chè búp tươi của toàn tỉnh đã cho thấy, phần lớn các cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh đều sử dụng công nghệ Orthodox để chế biến chè đen, dây chuyền thiết bị cũ, lạc hậu, sản xuất chủ yếu là thủ công, cơ sở vật chất nghèo nàn chưa đảm bảo vệ sinh công nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm chè chế biến chủ yếu là chè đen bán thành phẩm, giá thành thấp, khả năng cạnh tranh trên thị trường không cao.
Đây là một trong những nguyên nhân làm ngành chè Yên Bái hạn chế phát triển, xuất khẩu trực tiếp chè khó khăn, thu nhập của người làm chè bấp bênh, phụ thuộc rất nhiều vào khách quan.
Đứng trước thực trạng trên, những năm gần đây một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè búp khô. Một trong những công nghệ chế biến chè được các doanh nghiệp áp dụng hiện nay là công nghệ chế biến chè đen mới CTC, dây chuyền thiết bị hiện đại, được sản xuất tại Ấn Độ. Nhiều công đoạn trong dây chuyền được tự động hoá, sản phẩm chè đen do dây chuyền chế biến rất đa dạng, có tính cạnh tranh cao, ổn định về chất lượng và có khả năng xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Đi tiên phong trong lĩnh vực này là Công ty cổ phần chè Phú Tân đầu tư 2 dây chuyền công nghệ CTC công suất 30 tấn chè búp tươi/dây chuyền/ngày; Công ty cổ phần Chè Văn Hưng hợp tác với Tập đoàn Finlay của Vương quốc Anh đầu tư 1 dây chuyền công nghệ CTC công suất 20 tấn chè búp tươi/ngày.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Lâm trường Lục Yên, Công ty Chè Việt Cường… đã mạnh dạn đầu tư các dây chuyền thiết bị đồng bộ để chế biến chè xanh, chè đen thành phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, quá trình đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm của ngành chè Yên Bái thời gian qua diễn ra còn rất chậm. Công tác chỉ đạo sản xuất ở nhiều doanh nghiệp chế biến chè mới chỉ tập trung vào một số biện pháp nhằm cố gắng giải quyết công ăn việc làm, duy trì sản xuất, lợi nhuận không cao. Hầu hết các doanh nghiệp chưa xây dựng được chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh, chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề cốt lõi đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp là uy tín và chất lượng sản phẩm.
Để ngành chè Yên Bái phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04/4/2006 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái: “…Tập trung đổi mới thiết bị chế biến lạc hậu bằng thiết bị công nghệ tiên tiến và xác định là khâu đột phá trong quá trình nâng cao chất lượng chè. Phấn đấu đến năm 2010 có ít nhất 50% số cơ sở chế biến chè có công nghệ, thiết bị tiên tiến, trong đó ưu tiên đổi mới thiết bị các cơ sở chế biến chè xanh”, cần tổ chức thực hiện tốt 5 giải pháp chủ yếu đã nêu trong Nghị quyết 02/NQ-TU ngày 4.4.2006 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ, trong đó các doanh nghiệp chè cần quan tâm tới là lấy đổi mới công nghệ, thiết bị chế biến chè làm khâu đột phá, khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thay thế thiết bị cũ lạc hậu bằng thiết bị, công nghệ tiên tiến, phù hợp với yêu cầu chất lượng sản phẩm trên thị trường.
Phạm Văn Thụy