YBĐT – Sự cố một chiếc xe cẩu mắc vào đường dây tải điện 500 KV đoạn Di Linh – Tân Định (Bình Dương) làm mất điện nhiều tỉnh, thành phía Nam gây thiệt hại cả nghìn tỷ đồng vào ngày 24/5/2013 còn đang “nóng” dư luận thì vào lúc 3 giờ sáng, ngày 10/6/2013 tại tổ 10, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái lại xảy ra vụ việc một tấm biển quảng cáo của gia đình ông Phùng Minh Thắng bị gió thổi bay khỏi mái nhà rồi mắc vào đường dây 10 KV gây mất điện ở nhiều khu dân cư.
Ngay trong đêm, công nhân điện lực đã khoanh vùng và đóng đóng điện trở lại (riêng khu vực lân cận nơi xảy ra sự cố tiếp tục mất điện đến ngày hôm sau). Mặc dù mức độ của hai sự cố đường dây tải điện nói trên có khác nhau nhưng có một điểm chung là vấn đề bảo đảm an toàn hành lang lưới điện đang đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và ý thức trách nhiệm của người dân.
Mặc dù nước ta đã có Luật Điện lực, có Nghị định về bảo vệ hành lang lưới điện nhưng hàng năm vẫn xảy ra vô số những vụ vi phạm hành lang lưới điện để lại nhiều hậu quả đáng tiếc về người cũng như về tài sản. Tại Yên Bái, chẳng khó khăn gì vẫn có thể bắt gặp hoặc trực tiếp nhìn thấy những vụ việc vi phạm hành lang lưới điện, đơn cử như: xây dựng các công trình gần ngay sát đường truyền tải điện, xe ô tô chở hàng cao ngút ngất lưu thông trên đường, kéo đứt hàng loạt dây điện; nhiều nhất là cây trồng sát với đường dây tải điện.
Bên cạnh đó còn xuất hiện cả những hành vi cố tình phá hoại công trình điện như trộm cắp phụ kiện công trình điện gồm: dây néo, thanh giằng, ốc vít… với mục đích… bán sắt vụn lấy tiền; cá biệt có trường hợp người dân đi làm nương, đi chăn trâu dùng dao chặt một đoạn nứa phi lên đường dây dẫn điện để phát ra tiếng nổ và tia lửa điện cho… vui tai, vui mắt!
Trao đổi với cán bộ thanh tra ngành công thương và Công ty Điện lực mới thấy, đảm bảo hành lang lưới điện hiện nay khó nhất là việc xử lý những vướng mắc như: hành lang đường giao thông chỉ rộng 3m, nếu cột điện đứng giữa hành lang thì khoảng không còn lại hai bên chỉ còn nhiều nhất là 1m. Phía trong hành lang giao thông là đất của người dân đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, họ có quyền làm nhà, xây dựng các công trình trên thửa đất đó.
Nếu hộ dân nào xây nhà 3 – 4 tầng, tận dụng diện tích đất hiện có, xây sát mép hành lang thì có nghĩa là hiên nhà đó chỉ cách đường điện cao thế trên dưới 1m và ở khoảng cách ấy sẽ không thể nói là an toàn, nhất là vào những ngày trời mưa bão. Đó là khu vực đô thị, còn tại các vùng nông thôn tình trạng cây cối, hoa màu trồng dưới gầm đường dây và nhất là trồng gần đường dây rất phổ biến.
Những vi phạm này xử lý không dễ, có những vụ phải lập biên bản, phải vận động thuyết phục, phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết nhiều lần, nhiều buổi mới xong. Những trường hợp cây trồng ngoài hành lang lưới điện nhưng thân cây lại rất cao, hoặc do địa hình đồi, núi có độ dốc lớn (cây phía trên, đường dây tải điện phía dưới) thì nguy cơ gió, bão khiến cây đổ vào đường dây gây mất điện hoàn toàn có thể xảy ra. Trong những trường hợp kể trên việc vận động người dân chặt bỏ cây trồng là điều vô cùng khó.
Trách nhiệm bảo vệ hành lang lưới điện thuộc về ngành công thương và trực tiếp là của Công ty Điện lực nhưng để các công trình điện đảm bảo an toàn, để việc cấp điện được thường xuyên và liên tục rất cần sự vào cuộc của chính quyền cơ sở và nhất là ý thức trách nhiệm bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa của từng công dân. Vì vậy, mỗi người dân phải là một chiến sỹ an ninh, bảo vệ và giữ gìn sự bình yên của cuộc sống, bảo vệ các công trình lợi ích quốc gia mà đường dây tải điện là một thí dụ.
Chắc chắn nếu ý thức trách nhiệm của mọi người đều cao thì sẽ không có chuyện cần cẩu vướng vào đường dây 500 KV, nếu được chằng buộc cẩn thận thì gió sẽ chẳng thổi được tấm biển quảng cáo cả chục mét vuông bay lên mắc vào đường dây tải điện và như thế sẽ không có thiệt hại cả trăm tỷ đồng, ít nhất là rất nhiều nhà sẽ không phảt chịu cảnh không quạt máy, không điều hòa giữa những ngày nóng nực tháng sáu.
Lê Phiên