YênBái – YBĐT – Vệ sinh an toàn thực phẩm có tác động trực tiếp đến sức khoẻ của mỗi người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Năm 2006 và 6 tháng đầu năm nay, Yên Bái sơ bộ đã có trên 200 người bị ngộ độc thực phẩm, có người tử vong.
Tình trạng rau quả bị ô nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật và kim loại nặng; thịt gia súc, gia cầm, thủy sản còn dư lượng kháng sinh; sử dụng các hoá chất, phụ gia độc hại trong chế biến, bảo quản thực phẩm còn khá phổ biến; việc kinh doanh thực phẩm và các dịch vụ ăn uống ở chợ, đường phố chưa được kiểm tra vẫn diễn ra…
Người tiêu dùng nói gì?
Chợ trung tâm thành phố Yên Bái, chợ Yên Ninh, chợ Nam Cưòng, chợ Đồng Tâm… là những nơi hàng ngày tiêu thụ một khối lượng lớn các loại rau, quả, thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản… Thực phẩm ở đây được bày bán tràn lan nhưng rất ít khi người ta thấy sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Trao đổi với thanh tra y tế thì được trả lời: “Việc kiểm tra, kiểm soát không thể thực hiện thường xuyên được, vấn đề này không phải riêng ở Yên Bái mà kể các tỉnh khác cũng vậy!”
Chị Lê Thị Thu, đại lý bánh kẹo tại tổ 41 phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) người thường xuyên mua thực phẩm bán rong trên đường phố cho biết: “Do không có thời gian đến chợ để mua hàng nên hàng ngày tôi vẫn mua như vậy, còn nguồn gốc thực phẩm này ở đâu ra thì không biết, muốn an toàn thì tôi thường chỉ mua thực phẩm của người quen, giá cả phù hợp với túi tiền và về nấu chín kỹ là được…”.
Anh Nguyễn Hữu Thanh, lái xe tắc-xi Công ty cổ phần Yên Sơn – người thường xuyên ăn cơm bụi vào buổi trưa, nói: “Do đặc thù của công việc, tôi thường tìm quán cơm bình dân ăn trưa, giá 7 ngàn đồng/ bữa. Còn vấn đề về thực phẩm mình dùng bữa trưa có được sạch hay không thì không thể biết hết được…”. Em Nguyễn Hữu Hoàng, gia đình ở phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ đang theo học đại học tại chức chuyên ngành xây dựng ở thành phố Yên Bái thì cho biết: “Do nhà ở xa, bởi vậy ra ngoài này học vừa thuê nhà trọ, một ngày 3 bữa ăn quán, bữa sáng em thường ăn bún, phở, hay bánh mì pa tê, trưa thì ăn tại quán, đặt theo tháng 7 ngàn đồng/ bữa. Nhà hàng bình dân em thấy họ nấu ăn cũng… được, còn các quán ăn khác thì em thấy cũng không hợp vệ sinh, nhiều khi không dám ăn…!”.
Những con số kinh hoàng
Năm 2006, toàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 165 người mắc và có 2 người tử vong. Sơ bộ 6 tháng đầu năm 2007, xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 47 người mắc và có 2 người tử vong.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 88 chợ kinh doanh thực phẩm, trong đó có 415 cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm; 2.417 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 1.174 cơ sở dịch vụ ăn uống. Qua kết quả kiểm tra vừa qua tại 237 cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm của đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thì chỉ có 289 cơ sở đạt tiêu chuẩn, đạt tỷ lệ 77%. Kiểm tra tại 2.139/ 2.417 cơ sở kinh doanh thực phẩm có 1.804 cơ sở đạt tiêu chuẩn đạt 84,3%; tại 1.083/ 1.174 cơ sở dịch vụ ăn uống có 871 cơ sở đạt tiêu chuẩn bằng 83,9%.
Kết quả của đoàn kiểm tra còn cho thấy, có tới 45% số mẫu thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn về vi sinh do chứa các vi khuẩn hoặc nấm mốc vượt quá giới hạn cho phép; 35 đến 40% số mẫu không đạt tiêu chuẩn về các chỉ tiêu lý hoá. Đặc biệt 100% rượu nấu bằng công nghệ lên men truyền thống trên địa bàn không đạt tiêu chuẩn do chứa Aldehyt huặc Fuafurol vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã phát hiện có Phocmalin như phủ tạng gia súc, gia cầm, tôm tép khô, sản phẩm váng đậu lành…Kiểm tra phát hiện dư lượng một số loại hoá chất bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép trong rau quả là 10%.
Về hàng giả, hàng kém chất lượng, chỉ tính riêng năm 2005 đội liên ngành đã xử lý 45 vụ buôn bán hàng không đảm bảo chất lượng (tăng 2,7 lần so với năm 2004); năm 2006, tịch thu 17.165kg mì chính giả, mứt kẹo 927 kg, trứng gà 71.607 quả, rượu bia kém chất lượng 4.187 chai. 6 tháng đầu năm 2007 riêng thanh tra y tế phát hiện và xử lý 8 kg bánh kẹo kém chất lượng, 149 chai rượu, 52 lon bia các loại, 10 chai nước giải khát, 55 hộp sữa, 66 hộp cá hộp…
Điển hình là vụ ngộ độc thực phẩm xảy vào hồi 15 giờ 30 phút ngày 17/ 3/2007 tại khu đền Tuần Quán, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. 6 người bị ngộ độc đều là người trong đền, do ăn thực phẩm ôi thiu, ngay sau đó đã mắc phải các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần… Hay vụ xảy ra ngày 10/5/2007 tại thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, có 9 học sinh đều đang học tại trường Lương Thế Vinh, sau giờ trưa, các em đã tụ tập mua một số thức ăn và rượu để uống để rồi bị ngộ độc. Qua xét nghiệm, thì nguyên nhân là do rượu bởi trong rượu có chứa hàm lượng Aldehyt và Fucfurol quá mức cho phép.
Lời kết
Vệ sinh ATTP đang được các cấp, các ngành và xã hội đặc biệt quan tâm. Đây không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành y tế, mà còn là công việc thường xuyên liên tục của các cấp, các ngành, kể cả cấp chính quyền cơ sở. Thực tế, việc triển khai Pháp lệnh Vệ sinh ATTP tại các huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; công tác thông tin tuyên tuyền, trang thiết bị, con người phục vụ cho công tác kiểm tra thực phẩm sạch còn thiếu và yếu… Trong hoàn cảnh ấy, chúng ta, mỗi người tiêu dùng hãy là” Người tiêu dùng thông thái”, biết cách lựa chọn, mua, sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, hạn sử dụng của thực phẩm, từ đó mới tránh khỏi việc ngộ độc thực phẩm đáng tiếc có thể xảy ra.
Thạch Phong