Xác định giá trị to lớn của các DSVH chính là một trong những tiềm năng thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là DSVH phi vật thể gắn với phát triển du lịch bền vững.
Trong tổng số hơn 700 di tích lịch sử – văn hóa, Yên Bái có 83 DSVH được xếp hạng với 13 di tích quốc gia, 73 di tích cấp tỉnh có giá trị đặc trưng, đa dạng về thể loại. Hơn thế, đây còn là vùng đất chứa đựng nhiều vốn văn hóa phi vật thể vô cùng độc đáo, mang sắc thái riêng của 30 dân tộc anh em.
Trong đó có 2 DSVH phi vật thể đã được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia là: Nghi lễ Cấp sắc của người Dao và Nghệ thuật Xòe Thái ở Mường Lò – Nghĩa Lộ mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.
Ngoài ra, còn có 20 điểm lễ hội văn hóa dân gian truyền thống các dân tộc và nhiều lễ hội diễn ra ở các di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh, cấp quốc gia như: Lễ hội đền Đại Cại, xã Tân Lĩnh (Lục Yên), Lễ hội đền Thác Bà, thị trấn Thác Bà (Yên Bình), Lễ hội đền Đông Cuông tại xã Đông Cuông (Văn Yên)…
Cùng với các danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng như Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang (Mù Cang Chải), Khu du lịch Ngòi Tu (Yên Bình), Đèo Lũng Lô, Chiến khu Vần, Khu ủy Tây Bắc, Bến Âu Lâu huyền thoại…, những năm gần đây Yên Bái đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn đặc biệt với hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài nước.
Vì vậy, bảo tồn DSVH gắn với phát triển du lịch bền vững chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà cấp ủy, chính quyền và các cấp, các ngành chức năng từ tỉnh tới cơ sở đặc biệt quan tâm, trong đó công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa là ví dụ điển hình.
Năm 2016, từ nguồn kinh phí của Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các phòng chức năng, các đơn vị trực thuộc tiến hành bảo tồn 5 DSVH phi vật thể của các dân tộc thiểu số trong tỉnh như: Lễ Cầu mùa của dân tộc Dao đỏ, xã Khai Trung (Lục Yên); Lễ hội Thác Bà, thị trấn Thác Bà (Yên Bình); Lễ Cúng rừng của dân tộc Mông (xã Nà Hẩu), nghệ thuật trình diễn, làm sáo mũi Cúc Kẹ và hát dân ca của dân tộc Xa Phó, xã Châu Quế Thượng, Lễ hội đền Nhược Sơn, xã Châu Quế Hạ (Văn Yên).
Kết quả của việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH cả vật thể và phi vật thể chẳng những đã giúp tôn tạo, bảo tồn được nhiều di tích lịch sử, văn hóa có nguy cơ bị xuống cấp, bị thất truyền và quên lãng mà còn nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tạo nguồn lực to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Trên cơ sở đó, Yên Bái đã tổ chức thành công các lễ hội như: “Lễ hội sông Hồng” gắn với Lễ hội đền Mẫu Đông Cuông; Tuần Văn hóa – Thể thao – Du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải với chủ đề: “Mù Cang Chải – kết nối những miền quê danh thắng”; đặc biệt, là tổ chức màn đại xòe xác lập Kỷ lục Guiness Việt Nam tại thị xã Nghĩa Lộ… góp phần giới thiệu nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái vùng Mường Lò, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham dự.
Để đẩy mạnh công tác bảo tồn DSVH gắn với phát triển du lịch bền vững, các cấp, các ngành trong tỉnh, đặc biệt là ngành văn hóa cần có nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, đưa di sản đến gần hơn với đời sống của người dân, để người dân hiểu và nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của di sản, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ di sản.
Giữ gìn, phát huy các giá trị DSVH sẽ là điều kiện thuận lợi để khai thác và phát huy những giá trị truyền thống của quê hương, phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch lễ hội, góp phần đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Thanh Hương