YBĐT – Yên Bái là địa bàn chung sống của 30 dân tộc. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng biệt. Bản sắc văn hóa các dân tộc độc đáo, con người nồng hậu và thân thiện, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đã ngày càng hấp dẫn, thu hút du khách muôn phương, đưa họ đến với Yên Bái để khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống.
Thực tế đã cho thấy việc bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch có một mối quan hệ hết sức mật thiết, hỗ trợ, tương tác và thúc đẩy lẫn nhau.
Muốn dẫn chứng một ví dụ tiêu biểu hơn cả thì nhất định phải nói tới thị xã Nghĩa Lộ. Nhắc thị xã miền Tây là nhớ múa xòe. Nhắc múa xòe là nhớ người thiếu nữ Thái. Nhắc người thiếu nữ Thái là nhớ áo cỏm, khăn piêu… Thị xã đã phát huy lợi thế về sự khác biệt và đặc sắc trong văn hóa truyền thống của người Thái địa phương để làm nên “mỏ neo” găm sâu ấn tượng, khó phai trong lòng khách du lịch.
Một lần đặt chân tới Mường Lò, cuộc sống sẽ mời gọi, dẫn dụ du khách muốn đi tới tận cùng của khát khao khám phá và mong được quay lại. Khi du khách muốn tìm hiểu về cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái thì nếp sinh hoạt, phong tục, lễ hội, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực… cũng được tạo động lực bảo tồn và phát triển hết sức tự nhiên.
Các sản phẩm phục vụ du lịch làm từ thổ cẩm thúc đẩy nghề dệt phát triển, đồng nghĩa với các làng nghề tiếp tục được duy trì. Nhu cầu trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa giúp các loại hình dân ca, dân vũ trở thành hoạt động thường xuyên, nổi bật như 6 điệu xòe cổ. Mong muốn thưởng thức nghệ thuật ẩm thực độc đáo đã làm các món ăn dân tộc được nhiều người biết đến hơn…
Những nghệ nhân dân gian, những con người tâm huyết với văn hóa dân tộc có môi trường, có cơ hội để cống hiến, truyền dạy các giá trị tốt đẹp cho lớp trẻ. Như thế, việc bảo tồn văn hóa dân tộc đã có sức sống nội sinh, bền bỉ, thực chất khi chính chủ thể của các giá trị văn hóa tự ý thức về trách nhiệm gìn giữ, phát huy. Cũng nơi miền Tây, địa danh Suối Giàng (Văn Chấn) nổi tiếng với chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi của đồng bào Mông.
Cao hơn nữa, ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa lúa chín mê hoặc du khách. Về Yên Bình, du khách hòa mình cùng bản làng ven hồ Thác Bà của đồng bào Dao Vũ Linh. Lên Lục Yên là mênh mang bình nguyên xanh Khai Trung. Miền đất nhớ Văn Yên thơm cay hương quế những bản người Dao. Đầm Vân Hội của Trấn Yên được ví như một thiên đường thu nhỏ…
Chú trọng xây dựng các mô hình du lịch sinh thái, phát huy thế mạnh là bản sắc văn hóa các dân tộc, thu hút du khách sẽ tạo điều kiện cho ngành dịch vụ, thương mại phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Kinh tế phát triển, các địa phương có điều kiện đầu tư trở lại cho du lịch, bảo tồn bản sắc văn hóa, khôi phục hoạt động truyền thống, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự giữ vững. Sự tác động qua lại đó có lợi ích vô cùng thiết thực nếu các địa phương biết khai thác, phát huy thế mạnh, tiềm năng để phát triển du lịch. Điều này thật sự quan trọng, phù hợp và cần thiết đối với quá trình xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương.
Yếu tố liên kết cũng cần được quan tâm hơn nữa để tạo ra hiệu quả cao nhất cả về giá trị vật chất lẫn ý nghĩa xã hội. Trước hết, mối liên kết giữa các điểm du lịch trong tỉnh sẽ giúp các địa phương xây dựng quy hoạch phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt, liên kết vùng sẽ khơi dậy sức mạnh tổng hợp và đồng bộ để cùng nhau vươn cao, vươn xa.
Nguyễn Thơm