YBĐT – Sau 8 năm Nghị định 32/NĐ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ra đời đi vào cuộc sống, đến nay hầu hết người dân đã tự giác chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy.
Cùng tạo thói quen và ý thức văn hoá khi tham gia giao thông, đây cũng là yếu tố góp phần hạn chế tử vong khi xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).
Tác dụng của mũ bảo hiểm là vậy, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một bộ phận người dân đội mũ chỉ để đối phó với lực lượng chức năng, sử dụng các loại mũ không đúng quy cách gây nguy hiểm cho chính bản thân mình. Hơn thế, điều này, vô tình đã ”khuyến khích” các nhà sản xuất làm ra các loại mũ bảo hiểm giả, không đảm bảo chất lượng, không đúng quy cách để móc túi người tiêu dùng.
Trước thực trạng đó, ngày 18/4/2014, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành Kế hoạch số 69 về tổ chức chiến dịch tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra xử lý vi phạm về sản xuất kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm không phải là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.
Theo đó, từ ngày 15 – 30/6, đối với các đối tượng đội mũ không phải là mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe, tuyên truyền nhắc nhở; từ ngày 1/7, yêu cầu dừng xe, xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 171/2013/NĐ – CP; giao nộp mũ bảo hiểm không phải là mũ bảo hiểm để tiêu huỷ. Đối với đối tượng đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ – CP của Chính phủ, mức phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Là người tham gia giao thông, ai cũng biết đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, không đúng quy cách sẽ đem lại nhiều hệ luỵ khôn lường. Vì khi xảy ra tai nạn, va đập dẫn đến chấn thương sọ não luôn chiếm tỷ lệ cao, đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên tử vong hay tàn tật suốt đời. Tuy nhiên vì sao tình trạng đội mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn diễn ra? Có nhiều lý do.
Thứ nhất, trên thị trường vẫn bày bán các loại mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng mà bằng mắt thường người mua khó có thể phân biệt được.
Thứ hai, các loại mũ không đúng quy cách thường có kiểu dáng đẹp, giá thành rẻ, chỉ vài chục nghìn đồng đã có thể sở hữu một chiếc. Thứ ba, do ý thức của người tham gia giao thông, đội mũ cốt để đối phó với lực lượng chức năng.
Tuyên chiến với mũ bảo hiểm kém chất lượng, cùng cả nước Yên Bái đang có những giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ bản thân; tăng cường quản lý chất lượng tại các đại lý, cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm, xử lý mạnh tay với những mặt hàng mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, mũ không phải là mũ bảo hiểm; hướng dẫn, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng khi tham gia giao thông… Những điều này đã được thể hiện qua Kế hoạch 473 ngày 16/5/2014 của Ban An toàn giao thông tỉnh về tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm.
Các giải pháp đề ra là như vậy, nhưng nó chỉ đạt hiệu quả khi mỗi người tham gia giao thông ý thức được việc đội mũ bảo hiểm đúng quy cách là bảo vệ cho chính mình; hình thành được thói quen, ý thức văn hoá khi tham gia giao thông, góp phần đấu tranh với việc sản xuất mũ kém chất lượng, không đúng quy cách, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Khi nhận thức về vấn đề này được nâng cao, việc tự giác đội mũ bảo hiểm đúng quy cách sẽ được mọi người nghiêm túc chấp hành.
Hà Anh