YênBái – YBĐT – Khi chứng kiến qua báo, đài, cảnh người dân ở một số địa phương khác phải còng lưng chở những xô nước sạch từ nơi khác cách xa chỗ ở hàng cây số, hay dùng chậu hứng những giọt nước sạch hiếm hoi rỉ ra từ cái vòi nước bé tí thì mới thấy xót xa cho những dòng nước trong veo, mát lạnh mà người dân quê mình đang phung phí hàng ngày.
Bất cập trong cách tính khoán
Nước là nguồn tài nguyên quý giá chi phối trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của con người, môi trường và khí hậu. Cứ đến mùa nắng nóng, thì mức tiêu thụ nước sạch lại tăng cao, nhất là đối với khu vực đô thị hay khu công nghiệp thì mức tiêu thụ nước sạch càng tăng lên rõ rệt. Do tác động của con người và các yếu tố khí hậu, nguồn nước sạch càng ngày càng cạn kiệt. Vì thế, việc bảo vệ nguồn nước và sử dụng sao cho hợp lý, tiết kiệm là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức. Nhà nước cũng đã ban hành rất nhiều các văn bản pháp luật quy định về việc bảo vệ và sử dụng nguồn nước. Mới đây nhất, Liên bộ Tài chính – Xây dựng – Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá nước sạch tiêu thụ tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn.
Tại Yên Bái, từ ngày 01/5/2009, giá nước sinh hoạt cũng được điều chỉnh tăng từ 3.000 đồng/m3 lên 5.000 đồng/m3. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người dân thì cách tính đơn giá nước như hiện nay là còn bất cập, từ đó dẫn đến tình trạng người dân không có ý thức sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn nước trong khi tại các đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hàng ngày vẫn phải chứng kiến cảnh người dân thiếu nước sạch dùng trong sinh hoạt hàng ngày.
Đơn cử như trường hợp một số hộ dân ở phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) chỉ có từ 2 đến 3 khẩu, cá biệt có một số hộ độc thân nêu ý kiến: ý thức được việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch là cần thiết, nên bên cạnh nguồn nước máy sử dụng trong việc nấu ăn và đun nước uống, gia đình còn sử dụng thêm một giếng khoan nữa để dùng vào việc tắm giặt, xả nhà vệ sinh. Vì thế lượng nước máy sử dụng trong mỗi tháng là rất ít, chỉ từ 1 – 2m3.
Tuy nhiên, với cách tính đơn giá nước được đưa vào mức khoán tính trong giá tiêu thụ nước sạch như hiện nay thì những gia đình này phải trả khống thêm từ 2 – 3m3 nước sạch mà họ không hề sử dụng. Theo cách tính đơn giá nước như hiện nay đang được áp dụng trên địa bàn thành phố Yên Bái thì mỗi hộ sẽ phải trả khoán gọn tiền cả 4 m3 nước đầu tiên dù hộ đó chỉ dùng có 1 – 2 m3, còn hộ nào dùng trên 4 m3 thì trả thêm theo giá tương ứng. Theo lý giải của cán bộ thu tiền nước thì thực tế lượng nước thất thoát do bị “ăn cắp” bằng cách chỉnh sửa đồng hồ đo nước là rất lớn. Vì vậy, cách áp giá nước như trên là nhằm tránh tình trạng “ ăn cắp” nước của một số hộ dân thiếu ý thức.
Tuy nhiên, không biết ngành cấp nước hạn chế được tình trạng thất thoát nước bao nhiêu? nhưng có một thực tế đang diễn ra hàng ngày, đó là cách tính đơn giá nước như trên đã ảnh hưởng đến quyền lợi của những hộ dân không dùng hết định suất 4m3/tháng. Vì thế, để đòi lại “công bằng”, những hộ này ngoài việc sử dụng nước để tắm giặt, nấu nướng còn mang nước sạch ra rửa xe, tưới cây, phun ra đường cho khỏi bụi… Họ dùng nước sạch vào tất cả mọi việc có liên quan đến nước miễn sao cho hết 4 m3/tháng thì thôi.
Giải pháp nào cho ngành cấp nước?
Khi chứng kiến qua báo, đài, cảnh người dân ở một số địa phương khác phải còng lưng chở những xô nước sạch từ nơi khác cách xa chỗ ở hàng cây số, hay dùng chậu hứng những giọt nước sạch hiếm hoi rỉ ra từ cái vòi nước bé tí thì mới thấy xót xa cho những dòng nước trong veo, mát lạnh mà người dân quê mình đang phung phí hàng ngày.
Trách người dân vì vô cảm với nguồn tài nguyên quý giá, vô cảm với môi trường, nhưng xét ở một góc độ nào đó cũng cần thông cảm với họ, bởi đơn giản họ chỉ suy nghĩ rằng họ không “ăn cắp” nước, nhưng không làm thế thì quyền lợi của họ đương nhiên bị ảnh hưởng và cùng là khách hàng nhưng họ phải chịu thiệt thòi hơn những người sử dụng nhiều nước sạch khác. Còn đối với ngành cấp nước trong lúc này cần phải quan tâm hơn đến việc người dân sử dụng nguồn nước có tiết kiệm, hợp lý hay không? Để từ đó nghiên cứu, trao đổi về chuyên môn, kỹ thuật để thay đổi và nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước.
Đồng thời phải thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân xây dựng và phát huy ý thức bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Việc tác động tích cực đến ý thức bảo vệ nguồn nước của người dân sẽ giúp cho ngành cấp nước “nhàn” hơn trong việc quản lý nguồn tài nguyên này.
Với cách tính đơn giá nước bất cập như trên, vô tình đã tiếp tay cho một bộ phận người dân sử dụng lãng phí, vô trách nhiệm với nguồn tài nguyên nước, làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường mà Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực thực hiện.
Khánh Thư