YBĐT – Kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 năm nay, mỗi chúng ta ghi khắc lời Bác: “Máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã vun đắp cho cây cách mạng khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”.
Trong ngày Thương binh toàn quốc đầu tiên 27/7/1947 (từ tháng 7/1955 đổi thành Ngày Thương binh liệt sỹ), Hồ Chủ tịch đã gửi áo lụa, một tháng lương, một bữa ăn của Người cho các thương binh, thân nhân liệt sỹ để cùng đồng bào “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh”. Theo Người, đó là trách nhiệm của toàn thể đồng bào với những người con đã hy sinh xương máu của mình để quyết bảo vệ nền độc lập của dân tộc, vì tự do, hạnh phúc cho nhân dân; đó cũng là truyền thống đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta.
Làm theo lời Bác và noi theo tấm gương đạo đức của Bác, Đảng và Nhà nước ta, đồng bào ta đã luôn quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ các thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước. Tuy còn khó khăn, nhưng ở thời kỳ nào, thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước cũng nhận được sự quan tâm, chăm sóc, thăm hỏi tận tình, chu đáo. Nhờ đó, trên 8 triệu người có công, trong đó gần 600.000 thương binh; khoảng 1.000.000 gia đình liệt sỹ; trên 50.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 4 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và 1,4 triệu người có công hiện đã và đang “sống yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần” như mong muốn của Bác.
Yên Bái – qua hai cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, có trên 67.000 người tham gia kháng chiến đã được vinh danh và được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, trong đó có 5.435 liệt sĩ, 4.602 thương binh, 1.354 bệnh binh, 81 Mẹ Việt Nam anh hùng, 31 cán bộ lão thành cách mạng, 429 cán bộ tiền khởi nghĩa, 90 người bị địch bắt tù đày, 438 thanh niên xung phong, 53.345 người hoạt động kháng chiến được thưởng huân, huy chương. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã coi trọng, thường xuyên quan tâm, giúp đỡ; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để thương binh, gia đình thân nhân liệt sỹ, người có công ổn định về vật chất, vui vẻ về tinh thần bằng nhiều việc làm thiết thực.
Các phong trào xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, tôn tạo, xây dựng mới các nghĩa trang liệt sỹ, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng… đã đem lại những kết quả thiết thực, có ý nghĩa to lớn. Nhờ đó, trên 90% đối tượng và gia đình chính sách đã có mức sống từ trung bình trở lên, nhiều thương binh “tàn nhưng không phế” trở thành điển hình phát triển kinh tế, đi đầu trong sản xuất kinh doanh, có người trở thành Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Những việc đã làm là to lớn, đáng trân trọng nhưng không thể nào so sánh và bù đắp được những hy sinh của các thương binh, liệt sỹ; những cống hiến vì cách mạng, vì Tổ quốc của hàng triệu gia đình có công với nước. Đất nước hôm nay đã đi qua chiến tranh, theo thời gian, nhiều thương bệnh binh, người có công sẽ không còn. Vì thế, mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, địa phương và mỗi chúng ta có trách nhiệm, bổn phận phải quan tâm hơn nữa, làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với nước; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công, góp phần làm cho mọi đối tượng chính sách đều có mức sống khá và ổn định, không còn người nào, gia đình nào phải sống trong khó khăn, thiếu thốn; không còn đối tượng chính sách nào phải chịu thiệt thòi.
Kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 năm nay, mỗi chúng ta ghi khắc lời Bác: “Máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã vun đắp cho cây cách mạng khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”. Uống nước nhớ nguồn, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người hãy tỏ lòng hiếu nghĩa bằng những việc làm thiết thực hàng ngày để yên lòng Bác, yên lòng những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, làm tấm gương cho thế hệ trẻ, vì cuộc sống tự do, hạnh phúc hôm nay và muôn đời sau.
Q.K