YBĐT – Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh nghề nghiệp (BNN) là bệnh phát sinh do các yếu tố có hại trong môi trường lao động, phát sinh từ từ, liên tục vào cơ thể người lao động và gây bệnh.
Hiện nay, có khoảng 25 BNN phổ biến ở nước ta như: bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, bệnh viêm gan do virus, bệnh viêm phế quản mãn tính, bệnh điếc, bệnh lao, bệnh nốt dầu, bệnh nhiễm độc hoá chất bảo vệ thực vật…
Công nghiệp phát triển, các ngành nghề ngày một mở rộng trong khi môi trường làm việc chưa được cải thiện. Nhiều người lao động đã và đang phải làm việc trong điều kiện nguy cơ nhiễm bệnh cao, trong khi đó, việc hiểu và phòng tránh BNN còn nhiều hạn chế. Do vậy, song song với việc phát triển kinh tế, vấn đề phòng tránh và phát hiện BNN cũng cần nhận được sự quan tâm đúng mức…
Yên Bái là một tỉnh miền núi đang có tốc độ phát triển khá nhanh. Những công trình xây dựng, nhà máy mở ra ngày một nhiều, tạo công ăn việc làm và mang lại thu nhập thường xuyên cho nhiều người. Nhưng đi đôi với điều là đòi hỏi ngày càng cao về công tác an toàn lao động và phòng chống BNN cho người lao động. Trong những năm qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái nói chung và Khoa Sức khoẻ nghề nghiệp nói riêng đã có những hoạt động thiết thực trong công tác phòng chống BNN cho người lao động trên địa bàn.
Năm 2010, Khoa đã tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho 2.656 công nhân; tiến hành kiểm tra 2.546 mẫu xét nghiệm về vi khí hậu, tiếng ồn, ánh sáng, hơi khí độc, bụi, tia X – quang tại 130 đơn vị, doanh nghiệp, đã phát hiện 490 mẫu xét nghiệm không đạt tiêu chuẩn cho phép; tập huấn cho 40 đơn vị, doanh nghiệp về công tác vệ sinh an toàn lao động và BNN; đo và kiểm tra môi trường lao động tại 30 đơn vị người lao động có nguy cơ mắc BNN cao…
Những hoạt động đó đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức về BNN cho người lao động và người sử dụng lao động; giám sát việc trang bị bảo hộ lao động để phòng tránh BNN tại các cơ sở, đơn vị đặc biệt trong những đơn vị có lượng bụi và tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép; đề xuất với người sử dụng lao động sắp xếp lao động tuỳ thuộc vào tình hình sức khoẻ của người lao động để đảm bảo an toàn và phòng tránh được các BNN. Các hoạt động thường xuyên và liên tục đó đã góp phần tích cực vào trong việc giảm 10% số BNN mắc mới mỗi năm…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống BNN cũng gặp không ít những khó khăn do việc quản lý môi trường lao động, kiểm tra sức khoẻ định kỳ tại các đơn vị, xí nghiệp có nhiều ngành cùng tham gia dẫn đến sự chồng chéo, chưa có sự thống nhất về quản lý nhà nước; đội ngũ cán bộ y tế lao động tại các trung tâm y tế tuyến huyện, thị còn thiếu và yếu; trang thiết bị phục vụ cho công tác chẩn đoán BNN chưa đầy đủ…
Bác sĩ Trương Công Lệnh – Trưởng khoa Sức khoẻ nghề nghiệp cho biết: “Tại Yên Bái, người lao động làm việc trong các ngành nghề như sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí luyện kim, khai thác đá, xây dựng, thi công công trình giao thông, làm đồ gốm sứ, y tế, tiếp xúc với hoá chất bảo vệ thực vật… có nguy cơ mắc BNN cao nhất.
Để phòng tránh BNN, người lao động cần chấp hành tốt Luật Lao động, có ý thức tuân thủ các quy định an toàn trong lao động tại công ty, xí nghiệp. Việc làm đơn giản nhưng cần thiết là mang quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang đúng tiêu chuẩn khi lao động trong môi trường như vậy. Kiểm tra sức khoẻ định kỳ, nếu không may bị mắc BNN, hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời”.
Rõ ràng, công tác phòng chống BNN và chăm sóc sức khoẻ cho người người lao động cần được quan tâm và quản lý chặt chẽ hơn nữa để góp phần nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất.
P.V