YBĐT – Bệnh cúm ở người đang thời điểm lây lan mạnh và có thể bùng phát thành dịch. Trong khoảng hai tháng qua, bệnh cúm A có nguồn gốc từ gia cầm các chủng H1N1, H3N1, H5N1… đã bùng phát ở một số tỉnh, thành trong nước. Ở Yên Bái, bệnh cúm xuất hiện ở huyện Yên Bình, Mù Cang Chải, Văn Chấn.
Trong tác nhân gây bệnh được xác định, có vi rút cúm A/H3N1có khả năng lây lan mạnh từ gia cầm sang người và vi rút cúm B có khả năng lây lan từ người sang người. Nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh cúm trở nên cấp bách hơn khi diễn biến dịch cúm A/H7N9 ở nước láng giềng Trung Quốc ngày càng phức tạp. Từ người nhiễm đầu tiên ở Thượng Hải, trong vòng ba tuần qua số người nhiễm vi rút cúm H7N9 ở nước này đã tăng lên rất nhanh, tới ngày 15/4/2013 đã có 63 người nhiễm, trong đó 14 người đã tử vong.
Như đã đề cập, diễn biến tình hình dịch bệnh đáng lo ngại, nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm A/H7N9 từ Trung Quốc vào nước ta. Yên Bái giáp Lào Cai – là tỉnh biên giới phía Bắc nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Phòng chống dịch bệnh cúm A ở người, trong đó có bệnh cúm A các chủng vi rút H1N1, H5N1, mới nhất là biến thể H7N9 là việc quan trọng và cấp bách, các cấp các ngành cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai thực hiện phòng chống dịch, trong đó tập trung chỉ đạo, thực hiện kịp thời, hiệu quả ba nhiệm vụ chủ yếu.
Thứ nhất, siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, áp dụng các biện pháp phòng dịch trên đàn gia cầm; kiểm dịch chặt chẽ gia cầm trên lưu thông nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc lây lan vi rút cúm từ gia cầm sang gia cầm, từ gia cầm sang người.
Thứ hai, ngành y tế, các cấp chính quyền, các đoàn thể, hội bám sát Công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh thực hiện thường trực chống dịch; tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi nhiễm các chủng vi rút cúm A từ gia cầm để khám sàng lọc cách ly và áp dụng các biện pháp hạn chế lây lan; chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật sẵn sàng tiếp nhận, khám và điều trị kịp thời các trường hợp nghi và lây nhiễm vi rút cúm từ gia cầm, trong đó có vi rút cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1.
Công điện của Thủ tướng đã yêu cầu mọi người dân, các tổ chức đoàn thể ở xã, phường có trách nhiệm phát hiện và báo cáo với chủ tịch UBND và công an xã, phường hoặc huyện, quận về những người dân sống ở xã, phường tham gia vào việc buôn lậu, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; yêu cầu chủ tịch UBND xã, phường trực tiếp chịu trách nhiệm trước UBND huyện, quận về việc công dân sống ở địa bàn mình tham gia vào việc buôn lậu, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm nhập lậu.
Thứ ba, cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm, loại vi rút thường xuyên biến đổi có thể thành chủng mới lây truyền sang người, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy cần quan tâm, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân cách nhận biết và các biện pháp phòng ngừa, không để người dân thiếu thông tin, chủ quan, hoang mang, lo lắng trước dịch bệnh.
Phòng chống các dịch bệnh cúm A có nguồn gốc lây lan từ gia cầm, nhất là biến thể H7N9 là việc rất quan trọng và cấp bách, vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện cần bảo đảm sự thống nhất, tập trung về chỉ đạo; đồng bộ về biện pháp phòng ngừa; chủ động, bình tĩnh, tránh tự làm “nóng” tình hình để bảo đảm sự ổn định của xã hội và nhịp độ phát triển của nền kinh tế.
Tuấn Anh