YBĐT – Cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh Yên Bái đang tích cực đưa nội dung Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào cuộc sống, với mục tiêu làm chuyển biến từ nhận thức tới hành động của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ quản lý và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh.
Đây thực sự là một trong những giải pháp hiệu quả, thiết thực thực hiện nội dung tự phê bình và phê bình mà Đảng ta đã chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”, làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ quản lý, người đứng đầu ở một số cấp, ngành, cơ quan, đơn vị có biểu hiện xa dân.
Biểu hiện đó thể hiện ở lối làm việc cửa quyền, hách dịch, trịnh thượng, gây khó khăn cho người dân khi giải quyết công việc cho dân; là tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, làm giảm hiệu quả, kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm nảy sinh mâu thuẫn, bức xúc, khiếu kiện…
Vì vậy, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được lan tỏa rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân, thực hiện phong cách nêu gương, lãnh đạo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tự giác gương mẫu thực hiện trước.
Theo đó, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng một chính quyền phục vụ đang được triển khai thực hiện dân chủ tại các cơ quan công quyền của tỉnh. Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quyết tâm cao trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, sai phạm về kinh tế.
Thể hiện ở công tác tự kiểm tra nội bộ của tỉnh: đã xử lý buộc thôi việc 1 công chức cấp xã vi phạm về kinh tế; xử lý trách nhiệm 1 người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, sai phạm.
Đặc biệt là xử lý kỷ luật 3 tổ chức Đảng, 127 đảng viên có liên quan đến tham nhũng, sai phạm về kinh tế, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền trên 515,9 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ đối với những vị trí nhạy cảm như: kế toán, cán bộ địa chính, thu ngân, xây dựng cơ bản, dự án đầu tư… ở các cơ quan, đơn vị dễ phát sinh tiêu cực.
Để khắc phục tình trạng xa dân, không chỉ dừng lại ở việc đi cơ sở, sâu sát thực tế, “ba cùng”, “bốn cùng” với dân, đội ngũ cán bộ quản lý và người đứng đầu còn phải nêu cao vai trò, ý thức trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện đấu tranh tự phê bình và phê bình trên tinh thần “xây tích cực, chống quyết liệt”, đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, tự phê bình trước Đảng, trước nhân dân, từng bước khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Với trách nhiệm của mình, người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực sự trở thành “cầu nối” giữa dân với Đảng, làm cho dân tin, dân nghe, dân làm theo Đảng thông qua mỗi hành động, cử chỉ, việc làm có trách nhiệm.
Đó còn là việc thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân góp ý nếu đúng thì phải sửa ngay, nếu sai cũng phải kịp thời làm rõ để trả lời cho dân một cách thấu tình đạt lý nhất. Như vậy, chẳng những giảm được tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài mà còn bảo vệ được cán bộ của mình cũng như uy tín của Đảng, tránh để kẻ xấu lợi dụng xúi giục, công kích, chống phá, gây tâm lý nghi ngờ, hoang mang trong xã hội…
Khi cán bộ, nhất là cán bộ quản lý và người đứng đầu sâu sát cơ sở, gần dân, trọng dân sẽ giúp Đảng củng cố vững chắc hơn vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và khẳng định niềm tin với nhân dân. Đồng thời, giúp cho chính cán bộ, đảng viên của mình tránh xa được những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống.
Thanh Hương