YBĐT – Nền kinh tế khó khăn, thị trường truyền thống lại ở một số nước đang có chiến sự, bất ổn chính trị… khiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là doanh nghiệp lĩnh vực chế biến nông sản gặp khó khăn. 6 tháng đầu năm, 31 doanh nghiệp đã phải tạm ngừng sản xuất; đặc biệt, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chè, lượng hàng tồn kho rất lớn khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Câu chuyện khó khăn trong sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn không phải đến hôm nay mới xảy ra. Điệp khúc “được mùa rớt giá”, khó khăn tiêu thụ sản phẩm do cơ cấu sản phẩm cũng như chưa có thương hiệu sản phẩm đẫn đến tâm trạng bất an, lo lắng luôn thường trực với những người làm chè nhiều năm. Khách quan nhìn nhận, nền kinh tế khó khăn, một số thị trường xuất khẩu chè chủ lực của ta lại ở quốc gia đang có chiến sự và bất ổn chính trị đã ảnh hưởng tới đầu ra sản phẩm, nhưng một thực tế không phủ nhận là: chất lượng chè của ta còn thấp, khó đáp ứng được thị trường ngày một khó tính.
Ngược thời gian, đã một thời, sản xuất, kinh doanh chè Yên Bái khá thịnh vượng, nhưng từ khi đất nước xóa bỏ bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường thì bắt đầu tình trạng năm được, năm mất, thiếu tính bền vững đã diễn ra. Các cơ sở chế biến bung ra quá nhiều, vượt quá khả năng cung cấp của vùng nguyên liệu; dây chuyền sản xuất, chế biến lại lạc hậu, không đáp ứng được thị trường. Mặc dù có vùng nguyên liệu rộng lớn song người trồng chè chưa thật sự sống chết với cây chè mà vẫn sản xuất kiểu được chăng hay chớ, giá bán cao thì đầu tư chăm sóc, giá thấp thì phó mặc ông trời. Những yếu tố đó dẫn đến năng suất thấp, chất lượng búp không đáp ứng chế biến… Đặc biệt, từ khi Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sức ép cạnh tranh của các sản phẩm chè càng quyết liệt. Trong “cuộc chiến” đó, chè Yên Bái cũng không ngoại lệ.
Là lĩnh vực thế mạnh tạo nhiều việc làm và góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, đã đến lúc chúng ta phải có cái nhìn thực tế hơn để tìm hướng đi đưa cây chè lên vị thế cây làm giàu trong nông nghiệp, nông thôn. Trên thực tế, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp trong tỉnh chế biến trên 20.000 tấn chè thành phẩm nhưng có tới trên 80% là chè đen bán thành phẩm; chè xanh, chè chất lượng cao chiếm chưa đầy 20%. Số lươạng chè đen nhiều nhưng chủ yếu là “đúc bao tải” bán chè sơ chế thông qua các tổng công ty hoặc các doanh nghiệp trong nước.
Để nâng cao chất lượng nguyên liệu búp, từ nhiều năm nay, tỉnh đã đầu tư và có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân trồng, cải tạo giống chè già cỗi bằng chè giống mới với diện tích trên 4.000ha. Do đó, chè nguyên liệu đã dần ổn định nhưng do các doanh nghiệp lĩnh vực này phát triển quá nhanh, trong khi công nghệ chế biến lạc hậu, nhiều doanh nghiệp làm ăn chụp giật, không tái tạo hoặc đầu tư cho vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp chưa có chiến lược sản xuất, kinh doanh cụ thể, không có phương án sản xuất sản phẩm lâu dài, bền vững. Thậm chí có doanh nghiệp còn cắt xén quy trình sản xuất dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, khó khăn trong tiêu thụ.
Một vấn đề không thể không nói đến là năng lực tài chính của các doanh nghiệp yếu, không xây dựng được vùng nguyên liệu, dẫn đến không tự chủ trong sản xuất. Một số doanh nghiệp lớn có thiết bị chế biến tốt, công nghệ cao nhưng chưa thể vươn lên đóng vai trò chủ đạo. Cơ cấu sản phẩm vẫn chủ yếu là chè đen, chè xanh nội tiêu hay xuất khẩu gần như bỏ ngỏ nên thường thua ngay trên “sân nhà”. Trong khi đó, các ngành, địa phương cũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ từ quản lý sản xuất, chế biến đến kinh doanh sản phẩm thế mạnh này.
Để việc sản xuất, kinh doanh chè bền vững, vấn đề tiên quyết, được coi là khâu đột phá là phải đổi mới công nghệ, chế biến ra những sản phẩm giá trị kinh tế cao. Từ đó tổ chức ký kết thu mua nguyên liệu theo hợp đồng với giá hợp lý, làm sao người làm chè phải sống được bằng nghề thì mới bền vững mối liên kết nông dân – doanh nghiệp. Tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng nhưng bản thân mỗi doanh nghiệp, người nông dân phải nêu cao tinh thần tự vận động. Các doanh nghiệp phải chấp nhận cuộc chơi theo cơ chế thị trường, nhất là trong môi trường của WTO hiện nay. Doanh nghiệp phải xây dựng được chiến lược sản phẩm, đăng ký thương hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại và đừng quên xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm, phát huy vai trò của hiệp hội. Hãy sản xuất ra cái mà thị trường cần mới mong nhận lợi ích trở lại!
Ngọc Trúc