YBĐT – Thực tiễn đã chứng minh, nghị quyết đại hội Đảng các cấp có đi vào cuộc sống hay không đòi hỏi mỗi địa phương, đơn vị phải có chương trình hành động sát thực.
Vẫn biết việc xây dựng nghị quyết đại hội Đảng sát thực, trưng cầu được ý Đảng lòng dân nhằm khai thác một cách hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, đơn vị là hết sức cần thiết. Nhưng có nghị quyết sát thực rồi mà không có chương trình hành động sát thực thì việc đưa nghị quyết vào cuộc sống cũng khó mang lại hiệu quả.
Chương trình hành động đó phải hướng trọng tâm vào khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; đồng thời có chương trình công tác toàn khóa, chương trình công tác kiểm tra giám sát, kế hoạch kiểm tra giám sát và phân công nhiệm vụ trong ban chấp hành một cách khoa học, rõ ràng, phù hợp với sở trường và năng lực của mỗi đồng chí trong cấp ủy.
Vào thời điểm này, tất cả các địa phương ở Yên Bái đang tập trung đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống. Nhưng khi gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí trong cấp ủy các xã để hỏi về chương trình hành động thực hiện nghị quyết của địa phương mình tập trung vào những vấn đề gì thì ít ai nhớ. Đến khi tận mắt xem chương trình hành động của cơ sở, nghe nắm tình hình thực tế tại địa phương mới thấy các nội dung trong chương trình hành động rất chung chung, hầu hết sao chép lại chương trình hành động của cấp trên hoặc địa phương khác. Do vậy, những vấn đề cần đưa vào khai thác tiềm năng, thế mạnh và nội lực của địa phương mình lại không có.
Cũng chính bởi thực tế này những nhiệm kỳ trước đã diễn ra nên bên cạnh việc duyệt nghị quyết đại hội Đảng cấp cơ sở, Đảng bộ huyện Yên Bình đã mở hội nghị triệu tập các xã để hướng dẫn xây dựng chương trình hành động.
Yên Bình đã quán triệt các xã nắm chắc chương trình hành động của huyện, tập trung vào 5 vấn đề trọng tâm để khai thác tiềm năng, thế mạnh là: phát triển kinh tế đồi rừng gắn với chăn nuôi công nghiệp tập trung, phát triển thủy sản, thương mại – dịch vụ, phát triển mạnh công nghiệp ngoài quốc doanh và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại thu nhập cao trên một ha canh tác.
Đồng thời, huyện cũng quán triệt, đây là những vấn đề lớn để các xã nắm vững và cụ thể hóa trong chương trình hành động cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương chứ không sao chép một cách máy móc.
Cũng nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sát sao này nên chương trình hành động của các xã đã hướng mạnh vào khai thác tiềm năng, thế mạnh mà mình đang có. Đồng thời cũng tranh thủ nội, ngoại lực để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế. Chính vì thế, những xã không có diện tích mặt nước, chương trình hành động tập trung hướng vào phát triển kinh tế đồi rừng, xen cây màu và chăn nuôi tập trung; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôI, nâng cao thu nhập trên một ha canh tác và phát triển dịch vụ ở khu vực trung tâm nơi đông dân cư.
Còn các địa phương có tiềm năng, lợi thế như mặt nước hồ Thác Bà, đất rừng kinh tế thì xây dựng chương trình hành động tập trung vào phát triển thủy đặc sản; tập trung trồng cây lâm nghiệp (bồ đề, bạch đàn, keo lai..) và chăn nuôi tập trung, phát triển dịch vụ khu đông dân cư…Nhờ đó, chương trình hành động của các xã ở Yên Bình đã được xây dựng linh hoạt và sát thực hơn nhiệm kỳ trước.
Như vậy, xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp một cách sát thực là vấn đề mà các địa phương không thể xem nhẹ. Vì nghị quyết của Đảng có đi vào cuộc sống hay không phần nhiều do chất lượng chương trình hành động quyết định.
Đào Minh