YBĐT – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang tổ chức lấy ý kiến vào Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2014-2020. Đây được coi là luồng gió mát, một chính sách hợp lòng dân góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Theo Dự thảo, đối tượng áp dụng là các cá nhân, hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi theo hình thức nông hộ với quy mô dưới mức trang trại theo quy định của Bộ NN-PTNT sẽ được hỗ trợ tiền khi mua con giống, tiêm vắc-xin phòng bệnh, cải tạo, xây dựng chuồng trại…
Đối với nông hộ nuôi lợn, mức đầu tư sẽ từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/con giống nội và từ 1 đến 2 triệu đồng/con giống ngoại; hộ chăn nuôi gia cầm giống có quy mô thường xuyên 200 nái sinh sản được hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 24 tháng; hỗ trợ từ 5 đến 8 triệu đồng /con trâu, bò giống và 100% lãi suất tiền vay trong vòng 24 tháng…
Ngoài ra, còn nhiều chính sách hỗ trợ các nông hộ từ con giống đến phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường, thức ăn…Qua đó cho thấy rõ sự quan tâm của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo một cú hích cho chăn nuôi nông hộ phát triển lên một tầm cao mới.
Yên Bái là một tỉnh miền núi, cơ cấu dân số sống ở nông thôn cũng như sản xuất nông nghiệp rất cao, gần 80% dân số. Trong những năm qua, tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế chính sách, khuyến khích, hỗ trợ chăn nuôi phát triển như chương trình chăn nuôi bò bán công nghiệp, nạc hóa đàn lợn, sind hóa đàn bò, khôi phục đàn trâu, bò cơ học, hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại… Mặc dù các chủ trương, chính sách đưa ra rất kịp thời và hợp lý, nhưng do tập quán và điều kiện khách quan nên hình thức chăn nuôi trên địa bàn vẫn quy mô nhỏ lẻ, nông hộ là chính dẫn đến công tác phòng, chống dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế.
Bên cạnh đó, dù đã được chú trọng nhưng dịch bệnh nói chung bùng phát liên tục, năm thì trâu, bò… chết rét, chết đói; khi thì dịch cúm gia cầm; có năm lại dịch lợn tai xanh, dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng… dẫn đến chăn nuôi thiếu ổn định. Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2014 – 2020 đúng nguyện vọng của người chăn nuôi, tạo đà cho chăn nuôi nông hộ phát triển, nếu làm tốt sẽ giải quyết được những tồn tại trong chăn nuôi thời gian qua. Thông qua chính sách hỗ trợ này, người chăn nuôi dù nhỏ lẻ nhưng cũng sẽ hiểu và tiếp cận hơn với việc chăn nuôi an toàn, hiệu quả sẽ nâng lên.
Tuy nhiên có một vấn đề đặt ra là, chính sách hỗ trợ rất phù hợp vì người nông dân đang rất cần, nhưng như thế chưa đủ vì cùng sản xuất cần nhất để chăn nuôi phát triển là đầu ra cho sản phẩm. Dù nhỏ lẻ nhưng sản phẩm của các nông hộ chủ yếu làm hàng hóa. Mà đã là hàng hóa thì phải có thị trường tiêu thụ. Chưa có nhà máy, doanh nghiệp thu mua, không ai liên kết mà đều bán thông qua tư thương, rồi lại chịu cảnh ép cấp, ép giá thì chăn nuôi khó bề ổn định.
Chi phí tăng, thị trường không ổn định, giá cả bấp bênh, phát triển tự phát, làm ăn theo kiểu phong trào chính là lý do chăn nuôi nông hộ cứ đì đẹt không phát triển được.
Để quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2014 – 2020 thật sự hiệu quả, ngành nông nghiệp cũng cần nghiên cứu đề nghị có thêm những giải pháp hỗ trợ tạo chuỗi sản xuất đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy, chăn nuôi nông hộ mới có thể phát triển bền vững.
Thanh Phúc