YênBái – YBĐT – Canh tác bền vững – bài toán đã có lời giải, nhưng Châu Quế Hạ cần có những giải pháp mạnh và đồng bộ. Đó là việc vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu về canh tác bền vững; áp dụng các tiến bộ vào sản xuất, phương pháp thâm canh mới; đưa các giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao, chất lượng cao vào sản xuất…
Như nhiều xã vùng thượng huyện Văn Yên, hiếm có khi nào cây sắn ở xã Châu Quế Hạ (Văn Yên – Yên Bái) lại được giá như một vài năm gần đây. Giá sắn lên vù vù, từ vài ba trăm đồng trên một kg, nay tăng lên bảy tám trăm thậm chí một ngàn hai đến ngàn năm trăm đồng/kg. Củ sắn trước kia chỉ phục vụ cho chăn nuôi nay được bán đem về nguồn lợi lớn cho người dân. Tỷ lệ thuận với giá sắn, diện tích trồng sắn được mở rộng rất nhanh, từ 300 ha đến 400 ha, 650 ha và đến vụ sắn này diện tích đó trên dưới 800 ha.
Vụ sắn năm 2007, kế hoạch của xã trồng là 350 ha, nhưng người dân trồng 650 ha, vượt gần 200% kế hoạch. Trong đó, có 580 ha sắn cao sản, tổng sản lượng sắn cả năm ước đạt 13 ngàn 740 tấn củ tươi. Người dân thu về từ sắn trên một tỷ đồng. Có tiền, bộ mặt xã có sự thay đổi trông thấy. Nhiều hộ gia đình từ nghèo khó đã có “bát ăn, bát để” và nhiều người đã mua sắm được thêm phương tiện để phục vụ đời sống và sản xuất như ô tô, xe máy. Nghe kể tết Nguyên đán vừa qua, nhiều hộ kinh doanh tại chợ trung tâm xã thắng lớn vì chưa 30 tết chợ đã “cháy” hàng vì sức mua tăng đột biến. Cây sắn đã góp phần hạ tỷ lệ đói nghèo trong xã xuống còn 26%, đưa tỷ lệ khá giàu lên trên 20%.
Nông sản có giá, người nông dân có thu nhập thì vui! Nhưng niềm vui ở Châu Quế Hạ chất chứa trong đó sự lo lắng ưu phiền, bởi nhiều diện tích sắn nơi đây đang xâm canh vào rừng khoanh nuôi tái sinh. Toàn xã có diện tích tự nhiên 8.586,72 ha, dân số trên 6.569 người, gồm ba dân tộc là: Tày, Kinh và Dao sinh sống tại 14 thôn bản. Đất đai rộng nhưng chủ yếu lại là đồi núi, đất rừng khoanh nuôi, rừng phòng hộ, đất sản xuất lúa nước rất ít, trung bình mỗi nhân khẩu chỉ đạt 0,03 ha/người/năm.
Có lẽ đây chính là nguyên nhân mà người dân Châu Quế Hạ xâm canh vào đất rừng để trồng sắn. Theo số liệu năm 2007, toàn xã trồng được 49 ha rừng thì số rừng bị phá lên đến trên 50 ha, với 132 hộ dân vi phạm. Vì lợi nhuận, có người dân đã phải ra vành móng ngựa vì tội phá rừng. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, diện tích sắn vẫn tăng lên. Và, sắn tăng đến đâu, rừng thu hẹp đến đấy. Trong khi đó, cây sắn là cây “bóc mầu”, sau vài ba vụ sắn đất cằn đi trông thấy, vụ sau năng suất thấp hơn vụ trước. Biết trồng sắn là hại đất, nhưng vì mưu sinh vẫn cứ phải làm – nhiều người dân than thở như vậy. Kinh tế có sự phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, nhưng Đảng bộ xã Châu Quế Hạ bị Huyện uỷ Văn Yên kiểm điểm vì để dân phá rừng trồng sắn.
Làm sao vẫn bảo đảm sự phát triển, người dân có thu nhập lâu dài nhưng rừng không bị phá, chính là nỗi trăn trở của những người có trách nhiệm ở Châu Quế Hạ. Về vấn đề này, qua tìm hiểu được biết, thực hiện các biện pháp canh tác bền vững, năm 2008, Châu Quế Hạ áp dụng canh tác 40 ha sắn theo mô hình canh tác bền vững, sắn được trồng xen canh với một số cây trồng khác. Nhưng do trình độ nhận thức, đặc biệt do điều kiện sống còn nhiều khó khăn, người dân muốn thu nhập nhanh nên việc canh tác này chưa được người dân thực sự hưởng ứng.
Canh tác bền vững – bài toán đã có lời giải, nhưng Châu Quế Hạ cần có những giải pháp mạnh và đồng bộ. Đó là việc vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu về canh tác bền vững. Cần vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông – lâm nghiệp; áp dụng các tiến bộ vào sản xuất, phương pháp thâm canh mới; đưa các giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao, chất lượng cao vào sản xuất.
Châu Quế Hạ cần qui hoạch vùng trồng sắn, gắn trồng sắn với bảo vệ rừng, chống xói mòn rửa trôi. Đối với diện tích đồi rừng hiệu quả kinh tế thấp cần chuyển từ cây nông nghiệp năng suất thấp sang cây trồng lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, đặc biệt là đàn trâu bò theo hướng bán công nghiệp, tạo điều kiện cho các gia đình có khả năng đầu tư chăn nuôi trâu bò có qui mô lớn.
Song song với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, cần thực hiện nghiêm việc khai thác và trồng rừng; đẩy mạnh công tác khoanh nuôi, tái sinh, rừng đầu nguồn; kiên quyết đẩy lùi và chấm dứt tình trạng phát rừng, buôn bán lâm sản trái phép; thực hiện nghiêm túc kế hoạch sử dụng đất đai, giải quyết dứt điểm các vụ tồn đọng liên quan đến đất đai, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước và công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân trên địa bàn.
Minh Bảo