YênBái – YBĐT – Trong những năm qua, mỗi người dân Yên Bái còn ghi đậm những tàn phá nặng nề của thiên tai: trận lũ quét kinh hoàng ở xã Cát Thịnh và các huyện phía Tây năm 2005 đã cướp đi sinh mạng của 51 người và làm thiệt hại hàng trăm ngôi nhà, hoa mầu, các công trình giao thông, trường; trận lũ quét, sạt lở đất xảy trong tháng 8-2006 ở thành phố Yên Bái làm chết 4 người, 673 hộ nhà dân bị sạt ta-luy.
Chỉ tính riêng trong hai năm 2005-2006, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 60 người chết, hàng chục người bị thương, thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ đồng do thiên tai gây ra. Vì vậy, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai là một nhân tố bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và mỗi người dân.
Thiên tai là một tất yếu tự nhiên. Muốn làm được cần có chuyển biến cả về nhận thức của cộng đồng, đóng góp công sức, cùng những căn cứ khoa học, kết hợp với những lực lượng, phương tiện của toàn xã hội. Để giảm nhẹ thiên tai, cần hiểu bản chất của thiên tai, ảnh hưởng của nó đối với từng người và cộng đồng. Sự chuẩn bị thường nhật để sẵn sàng đối phó với thiên tai và tiếp cận một cách khoa học để thích ứng, chế ngự hài hoà môi trường thiên tai cần chủ động hơn, hợp quy luật hơn.
Ví dụ: ở vùng cao, vùng sâu, vùng ven sông, suối thường có lũ quét khi mưa to ở thượng nguồn; ở vùng thấp như thành phố Yên Bái hay ngập úng do ách tắc dòng chảy, sạt lở ta luy khi mưa lớn do đào đánh ta luy không theo quy trình kỹ thuật… Đồng bằng sông Cửu Long, phương châm sống chung với lũ là một lựa chọn đúng đắn, mùa lũ đem đến bao khó khăn và tổn thất, nhưng nguồn lợi và sự cân bằng sinh thái mà lũ đem đến vô cùng lớn. Sức mạnh của cộng đồng được nhân lên một khi trách nhiệm trước dân của bộ máy Nhà nước các cấp tận tụy với sự nghiệp phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Khắc phục hậu quả lũ quét và cơn bão số 7 năm 2005 trên quốc lộ 32. |
Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương để có quy hoạch, kế hoạch trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm sự phát triển ngày càng bền vững trong môi trường đầy biến động do thiên tai gây ra. Huyện Văn Chấn đã và đang có những quy hoạch, kế hoạch, hành động rất tốt trong việc di dời các hộ dân sống ven các bờ suối, triền núi cao có nguy cơ sạt lở, lũ quét về định cư tại nơi an toàn. Thành phố Yên Bái sau những vụ sạt lở ta luy và ách tắc dòng chảy gây lũ lụt trong những năm qua đã xây dựng kế hoạch khơi thông dòng chảy, quy hoạch vận động nhân dân đánh sửa ta luy an toàn.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản trong mùa mưa bão năm 2007, ông Nguyễn Văn Bình – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên cho biết: “Công việc trước mắt là xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn sinh mạng và tài sản cho nhân dân trong mùa mưa bão này. Do đó, các huyện, xã, phường, thôn bản phải rà soát toàn bộ phương án đối phó với thiên tai trên địa bàn, chuẩn bị các mặt theo phương châm 4 tại chỗ ( chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, lực lượng tại chỗ và vật tư tại chỗ) để chủ động đối phó với mọi tình huống. Phải tiến hành đôn đốc và kiểm tra đến từng hộ dân để có chuẩn bị thật thiết thực, cụ thể và bổ khuyết kịp thời. Tập huấn, diễn tập các tình huống có thể xảy ra để chủ động mọi tình hình…”. UBND tỉnh cũng đã có chỉ thị về công tác phòng, chống lụt, bão giảm nhẹ thiên tai năm 2007.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã đầu tư nhiều tiền của xây dựng khu tái định cư, xây dựng 280 thiết bị đo mưa và 10 mốc cảnh báo lũ quét… Một vấn đề cần quan tâm là phát triển kinh tế – xã hội phải gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, đảm bảo sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học. Chủ động phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, sự biến động khí hậu bất lợi.
Sự chủ động phòng chống chắc chắn sẽ làm giảm thiểu tổn hại do thiên tai gây ra – điều đó ai cũng có thể nói thành lời song việc thực hiện xem ra còn cả là một vấn đề. Vùng sâu, vùng xa xảy ra lũ quét thì cho là bất thường, công tác dự báo khó khăn đã đành, nhưng thành phố Yên Bái mùa bão lũ nào cũng gây sạt lở ta luy dẫn đến chết người, thiệt hại lớn đến tài sản nhân dân là hoàn toàn có thể dự báo được, vậy sao chúng ta không phòng tránh để giảm nhẹ? Mùa mưa năm 2006 đã cướp đi sinh mạng của 5 người, hàng trăm ngôi nhà bị thiệt hại – nhưng những điều đó hình như vẫn chưa đủ để “thức tỉnh” các cấp chính quyền và người dân thành phố. Nhà nhà vẫn tiếp tục được xây dựng dưới các chân ta luy cao hàng chục mét, người ta vẫn thi nhau đánh, đào ta luy mà không theo một quy trình, quy phạm nào.
Một mùa mưa lũ nữa lại đến và được dự báo là bất thường hơn mọi năm, nếu như thành phố và người dân không có những biện pháp cụ thể, phòng tránh thiên tai thì thiệt hại về người và của là khó tránh khỏi. Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai có hiệu quả thiết thực cần có sự hành động cụ thể của mỗi người dân, mỗi cấp, mỗi ngành trước mùa mưa bão này!
Thanh Phúc