YênBái – YBĐT – Hiện nay, tỉnh Yên Bái có gần 500 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhưng chỉ có 67 đơn vị thành lập được tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của các tổ chức công đoàn cũng chưa được chú trọng đúng mức. Điều đó đã đặt ra yêu cầu phải phát triển và nâng cao chất lượng của tổ chức công đoàn nhằm chăm lo, bảo vệ những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động ở khu vực kinh tế này.
Hầu hết các công đoàn cơ sở ngoài quốc doanh đã ổn định tổ chức, đảm bảo nguyên tắc hoạt động theo đúng điều lệ. Nhìn chung, các doanh nghiệp đã tuân thủ nghiêm những qui định của Bộ luật Lao động như: ký kết hợp đồng lao động, thực hiện đầy đủ các chế độ tiền lương, tiền thưởng, BHXH, BHYT…; điều kiện về bảo hộ lao động, vệ sinh an toàn lao động được tăng cường; các chế độ đối với lao động nữ được cải thiện; việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, thành lập hội đồng hòa giải cơ sở… được quan tâm thực hiện.
Tuy vậy, các tổ chức công đoàn này gặp không ít khó khăn. Đây là một loại hình mới nên kinh nghiệm tổ chức còn hạn chế; phần lớn các đơn vị chưa có tổ chức Đảng, do đó công đoàn thiếu sự chỉ đạo, định hướng đã ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động. Số đoàn viên công đoàn tỉnh Yên Bái hiện chỉ chiếm gần 20% tổng số lao động; việc tiến hành xây dựng các tổ chức công đoàn chưa đồng bộ giữa ngành có liên quan với địa phương sở tại; các tổ chức công đoàn ngoài quốc doanh mới chỉ tập trung ở địa bàn thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ và cũng chưa nhiều.
Tại thành phố Yên Bái, có khoảng 200 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng mới có 10 doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn. Ở huyện Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ, tình hình cũng không khả quan hơn. Một khó khăn nữa là ở một số doanh nghiệp, người lao động chưa đặt niềm tin vào tổ chức công đoàn, bởi theo họ, có công đoàn hay không thì đời sống của người lao động cũng không thay đổi vì mọi quyền hành vẫn thâu tóm vào tay chủ doanh nghiệp; còn tâm lý chung của chủ doanh nghiệp cũng không muốn có một tổ chức quần chúng giám sát, chia sẻ quyền lợi với mình.
Mặt khác, trong số những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, phần lớn các công đoàn cơ sở vẫn lúng túng trong hoạt động; đội ngũ cán bộ công đoàn đa số chưa qua đào tạo, lại kiêm nhiệm nhiều công việc nên trình độ chưa cao, thiếu hiểu biết về pháp luật, là lực lượng bán chuyên trách nên không được trả lương, vì vậy tất yếu có ảnh hưởng đến sự nhiệt tình hoạt động. Bên cạnh đó, sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ của chính quyền chưa kịp thời cũng như chưa coi trọng việc xây dựng công đoàn ngoài quốc doanh.
Từ những khó khăn trên, nhiều vấn đề được đặt ra cho Liên đoàn Lao động tỉnh trong quá trình xây dựng và tổ chức hoạt động công đoàn cơ sở ngoài quốc doanh. Trong đó, vấn đề lựa chọn, đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn có ý nghĩa quyết định đến sự sống còn. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền như tổ chức học Luật Lao động, Luật Công đoàn… nhằm giúp người lao động thấy được trách nhiệm, quyền lợi thiết thực khi tham gia tổ chức công đoàn; khi ốm đau, bệnh tật được giúp đỡ và được chính quyền bảo vệ khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp hay chuyển sang công việc khác.
Hơn nữa, cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Luật Công đoàn đã qui định rõ, việc xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở là trách nhiệm chung của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị. Song thực tế, vẫn có quan niệm cho rằng, đây là việc riêng của ngành công đoàn nên thiếu sự quan tâm phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi công tác phát triển công đoàn trong các đơn vị ngoài quốc doanh. Các ngành mới dừng lại ở việc khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm nghĩa vụ ngân sách mà chưa quan tâm đến tổ chức công đoàn và đời sống người lao động.
Phát triển công đoàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn ngoài quốc doanh có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong điều kiện kinh tế nhiều thành phần hiện nay. Đây cũng là yêu cầu của Đảng đối với tổ chức công đoàn và là sự đòi hỏi chính đáng của người lao động.
Quang Thiều