YênBái – YBĐT – Đã nhiều lần đi với các đồng nghiệp ở ngoại tỉnh lên xã Suối Giàng của huyện Văn Chấn và cứ mỗi khi lên gần trung tâm xã, nếu tôi giới thiệu đây là những cây chè Tuyết cổ thụ thì ai cũng ai cũng ngạc nhiên mà thốt lên: “Tuyệt vời quá! sao lại có những cây chè to thế nhỉ?”.
Lần này trở lại Suối Giàng, biết rằng chè ở đây được bán khá nhiều cho người chơi cây cảnh nên nhiều cây chè to, tán đẹp ven đoạn đường gần lên trung tâm xã đã thưa thớt. Vẫn cái mẹo giả làm người muốn mua chè cổ thụ làm cây cảnh, tôi rẽ vào một quán bên đường dò hỏi. Tại đây đã có một tốp khá đông công nhân mang trang phục ngành Điện lực. Tôi nghĩ họ đang thi công công trình ở đây, vì có cả xe tải, xe cẩu chuyên dụng.
Chị chủ quán có tên là Hải và chồng tên Tú. Tôi hỏi chị rằng: Tôi muốn mua mấy cây chè cổ thụ thì làm cách nào để mua được? Chị rất thật thà nói: “Năm ngoái thì mua được, còn năm nay họ cấm rồi”. Chị cho biết thêm, năm qua chị có mua giúp đứa em gần chục cây chè và còn hai cây chưa đưa đi được. Chị vừa nói xong thì đứa em của chị cũng vừa tấp xe con vào cửa quán. Té ra đứa em ấy là anh Dương-Trưởng Chi nhánh điện lực Nghĩa Văn. Tốp công nhân điện kia, hôm nay lên đây là để đưa cây cảnh về xuôi.
Ngồi cùng bàn uống nước, nên tôi được nghe cuộc trò chuyện giữa anh Dương và chị chủ quán. Chị bảo rằng: “Chồng chị đã mấy lần gặp anh Tếnh (Bí thư Đảng uỷ xã) xin chở nốt hai cây chè còn lại, nhưng anh Tếnh làm căng lắm. Anh nhà chị đã đã nói cùn với anh Tếnh là nếu không cho chở nốt thì em cũng để cho hai cây chè này chết”. Chị nói tiếp: “Làm việc với anh Đằng (Chủ tịch xã) thì thoải mái hơn và anh ấy bảo là, sẽ tạo điều kiện cho dân”. Câu chuyện kết thúc chóng vánh và anh Dương bảo chị chủ đi nấu cơm cho công nhân.
Sau đó, anh Dương chủ động nói chuyện với chúng tôi rằng, năm ngoái anh đưa sếp của anh ở Hà Nội lên đây thăm quan. Nhìn thấy những cây chè cổ thụ sếp anh mê quá và vừa gợi ý vừa như ra lệnh cho anh phải mang mấy cây chè này về trồng ở công sở của sếp. Anh bảo rằng, thực lòng cũng chẳng muốn làm cái việc này. Những lần đưa quân lên đây làm công trình, nhìn thấy công trường thi công đường giao thông; san gạt mặt bằng xây dựng… ủi đi những cây chè hàng trăm năm tuổi thì anh thấy tiếc lắm.
Cây chè vừa cho người dân ở đây nguồn lợi về kinh tế cho người Mông ở đây vừa chất chứa tiềm năng du lịch cho sau này. Nếu cứ san gạt, cứ đưa cây chè về xuôi làm cây cảnh thì liệu còn mấy ai muốn lên đây du lịch? Bảo vệ vùng chè này phải có chế tài cụ thể chứ cứ khuyến cáo và cấm chung chung như thế này e rằng khó lắm-anh Dương nói như vậy. Câu chuyện giữa tôi và anh Dương đang ở độ cao trào thì một người trong đoàn của anh xen vào: “Nói vậy thôi chứ khó cấm lắm! bà con hái một cây chè biết khi nào mới ra tiền triệu? còn bán cây thì nhoằng cái là kiếm triệu mốt triệu hai”.
Qua câu chuyện của anh Dương, tôi rất cảm thông với anh. Ở cương vị Trưởng Chi nhánh điện lực Nghĩa Văn, chắc không cần phải làm thêm cái việc mua bán cây cảnh để đảm bảo cuộc sống? Anh làm việc này có lẽ là vì là vì mối quan hệ với cấp trên; là vì bất đắc dĩ bị kẹt trong “sở thích chơi cây cảnh độc đáo” của sếp anh. Để chuyển được những cây chè rời khỏi Suối Giàng anh Dương cũng đã “xin ý kiến” của các anh ở huyện, ở xã.
Xét ở một góc độ khác thì anh Dương cũng chẳng có gì phải phàn nàn cho lắm, vì anh mua bán sòng phẳng. Việc giữ không cho mua bán chè cổ thụ để làm cây cảnh là thuộc về người trồng chè, là của chính quyền huyện, xã…Vận chuyển được một cây chè phải tốn rất nhiều thời gian đào đất tách cho gốc cây sống độc lập được với đất ở xung quanh, rồi đưa cẩu và xe tải lên mới chở đi được, nên lẽ nào địa phương không biết.
Chúng tôi cho rằng, xã Suối Giàng và huyện Văn Chấn đã buông lỏng quản lý vấn đề này. Nói là năm nay cấm không cho mua bán cây chè cổ thụ mà ngay hôm thứ sáu ngày 13 tháng 4 năm 2007 ông Đằng có mặt ở trụ sở UBND xã, nhưng đoàn công tác của chúng tôi vẫn thấy người ta ngang nhiên chuẩn bị chuyển cây chè ngay bên lề đường nhựa gần trung tâm xã.
Qua sự việc này chúng tôi thiết nghĩ, để quản lý được tình trạng mua bán chè Tuyết cổ thụ Suối Giàng để làm cây cảnh thì chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho mọi người dân ở Suối Giàng, các cấp, ngành hiểu được lợi ích của cây chè về lâu dài ở mọi phương diện. Sở dĩ phải đẩy mạnh tuyên truyền là vì không chỉ có nhiều người dân ở Suối Giàng, các ngành khác chưa hiểu về lợi ích lâu dài của cây chè Tuyết mà ngay Sở nông nghiệp&phát triển nông thôn là đơn vị phải biết ứng xử với loại cây này như thế nào cho đúng, vậy mà họ vẫn đem nó về trồng tại khuôn viên của Sở chủ quản.
Đi đôi với tuyên truyền cần có ngay những những chế tài đủ mạnh để quy định về việc xử lý vi phạm đối với vùng chè tuyết, chứ không chỉ nói cấm một cách chung chung như hiện nay. Trong chế tài đó cần quy định rõ trách nhiệm khi xây dựng hạ tầng cơ sở trong vùng chè Tuyết; quy định rõ việc xử lý nghiêm minh những vi phạm trong mỗi người dân, mỗi cấp chính quyền cơ sở. Khen thưởng thoả đáng cho những người có công phát hiện ra các sai phạm làm tổn hại vùng chè quý hiếm này…Trong khi chưa có được chế tài bảo vệ vùng chè thì mong rằng, tỉnh nên sớm có một chương trình làm việc cụ thể với xã Suối Giàng và huyện Văn Chấn, Sở nông nghiệp & phát triển nông thôn… vì đã để xảy ra tình trạng trên trong một thời gian dài.
P.V