YênBái – YBĐT – Năm 2007 khép lại, đánh dấu những thành công bước đầu sau một năm thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và thí điểm tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai nghiện tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2006 – 2010”.
Phóng viên Báo YBĐT đã phỏng vấn ông Nguyễn Quang Trâm – Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Yên Bái về hiệu quả và những nét mới trong công tác cai nghiện ma túy năm qua.
Xin ông cho biết kết quả cơ bản của công tác đấu tranh phòng chống ma túy sau một năm thực hiện Đề án?
Có thể nói, sau một năm Đề án được đưa vào thực hiện, chúng ta đã có được những kết quả hết sức khả quan: Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, trong đó các hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn về ma túy thường xuyên được tổ chức cho đội ngũ cán bộ cơ sở, thậm chí tiếp cận trực tiếp nhân dân các địa phương; 428 đối tượng được cai nghiện tại Trung tâm Cai nghiện và Lao động tỉnh theo đúng 5 giai đoạn cơ bản (tiếp nhận phân loại; điều trị cắt cơn; giáo dục phục hồi hành vi nhân cách; lao động trị liệu, dạy nghề và chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, chống tái nghiện; quản lý lâu dài dựa vào cộng đồng); dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Đề án, 350 đối tượng được tổ chức cai nghiện tại cộng đồng với thời gian 3 tháng (trước đây chỉ là 1 tháng) nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các đối tượng sau cai có thêm cơ hội thoát nghiện; xây dựng mới được 10 xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội (hiện nay, toàn tỉnh đã có 49/180 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy, mại dâm)…
Được biết Đề án có những nội dung mới so với công tác cai nghiện từ trước đến nay, ông có thể cho biết một vài nét chính?
Đúng là Đề án đã có nhiều nét mới, tiến bộ so với công tác cai nghiện trước đây. Chẳng hạn như khi thực hiện Đề án, cơ sở vật chất của Trung tâm Cai nghiện và Lao động tỉnh đã được đầu tư xây dựng (khu C được xây dựng mới và mở rộng; khu A hiện đang được cải tạo nâng cấp… để có thể đón thêm được nhiều bệnh nhân hơn nữa); công tác quản lý người nghiện được tiến hành một cách khoa học, chặt chẽ hơn; nhiều đối tượng đã được tham gia các lớp đào tạo nghề tại Trung tâm (năm 2007, đào tạo nghề được cho 50 đối tượng, trong đó có 4 đối tượng đủ tiêu chuẩn đã được đi xuất khẩu lao động sang Malayxia sau khi cai nghiện thành công); công tác tạo việc làm cho đối tượng tại Trung tâm được tiến hành thường xuyên và đạt hiệu quả tốt.
Đến hết tháng 12/2007, nguồn thu từ lao động sản xuất của các đối tượng đã đạt và vượt mức 2,1 tỷ đồng theo kế hoạch; 250 đối tượng sau cai nghiện được gia đình đứng ra bảo lãnh vay vốn tạo việc làm theo quyết định số 212/2006/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma túy… Ngoài ra, các đối tượng thường xuyên được tiếp cận, tham gia vào các lớp tập huấn, các buổi truyền thông về tác hại của ma túy; đồng thời được trang bị một số kiến thức cơ bản về các cách phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS…
Còn về những khó khăn?
Tuy kết quả rất khả quan nhưng khó khăn cũng không phải là nhỏ. Công tác tổ chức đào tạo nghề và tạo việc làm cho các đối tượng sau cai gặp nhiều vướng mắc về chế độ, hồ sơ, rất khó khắc phục; việc đưa đối tượng đi xuất khẩu lao động thường phức tạp hơn rất nhiều lần so với việc tổ chức cho một người bình thường đi lao động nước ngoài; tỷ lệ các đối tượng tái nghiện sau cai còn quá cao do môi trường chưa sạch về ma túy.
Một vấn đề nữa hiện đang phải tính đến là làm thế nào để giải quyết số đối tượng nữ nghiện hút trên địa bàn, về việc này chúng tôi đã tham mưu và có kế hoạch trình lên UBND tỉnh để kịp thời tìm ra biện pháp.
Năm 2008 là năm thứ 2 thực hiện Đề án, xin ông cho biết kế hoạch và những mục tiêu cụ thể?
Kế hoạch trong năm 2008 này sẽ là tiếp tục thực hiện tốt những nội dung cơ bản của Đề án. Cụ thể, tổ chức cai nghiện được cho tổng số 800 lượt đối tượng (trong đó, 450 người cai tại Trung tâm, 350 người cai tại động đồng); tổ chức dạy nghề cho khoảng 150 – 200 đối tượng đang cai nghiện; tạo việc làm cho 300 – 400 người đang cai nghiện và sau cai; xây dựng mới 10 xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm…
Để làm được những mục tiêu đó cần có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp rất chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh và sự hiểu biết của nhân dân nhằm thay đổi hành vi, từng bước tham gia vào mục tiêu xã hội hóa công tác cai nghiện.
Xin cảm ơn ông!
Tô Anh Hải (thực hiện)