YênBái – YBĐT – Năm 2002, qua khảo sát, tỉnh Yên Bái còn tới 12.000 phụ nữ mù chữ trong độ tuổi từ 18 – 40. Số đối tượng này tập trung nhiều nhất ở huyện Mù Cang Chải, chiếm tới gần một nửa toàn tỉnh, tiếp đến là huyện Trạm Tấu, Văn Chấn.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song với sự nỗ lực của các cấp hội phụ nữ, sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của ngành giáo dục nên nhiều phụ nữ vùng cao đã thoát cảnh mù chữ.
Từ khi thực hiện chương trình xóa mù chữ cho phụ nữ đến nay, huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu đã xóa mù chữ cho trên 6.000 phụ nữ; có hàng trăm phụ nữ tham gia học tập sau xóa mù chữ, PCGDTH, PCTHCS. Qua phong trào học tập đã tạo được nguồn cán bộ cho hội phụ nữ cơ sở; đã giúp chị em có kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, vệ sinh môi trường, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, phòng chống các tệ nạn xã hội…
Năm 2007, Hội LHPN tỉnh Yên Bái tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục mở 3 lớp xóa mù chữ cho 90 hội viên phụ nữ. Cùng với việc vận động chị em đi học chữ, Hội duy trì có hiệu quả 97 tủ sách tại các cơ sở hội nhằm chống tái mù chữ cho phụ nữ; tăng cường chỉ đạo đặt báo, đưa các thông tin và tuyên truyền chống tái mù chữ; chỉ đạo các cơ sở hội duy trì mở rộng 16 nhóm tự học sau xóa mù.
Qua tăng cường cấp phát tài liệu, các chuyên đề sinh hoạt thanh niên, người cao tuổi, chăm sóc bà mẹ – trẻ em với nội dung tuyên truyền phong phú, sinh động nên đã thu hút 70% phụ nữ tham gia đọc sách, báo tại cơ sở. Kiến thức được nâng lên đã giúp chị em tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất với doanh số chung toàn tỉnh trên 200 tỷ đồng, trên 10 ngàn lượt phụ nữ đã tiếp cận với các tiến bộ KHKT, biết cách làm ăn và chi tiêu khoa học trong gia đình.
Song thực tế cũng cho thấy, việc vận động phụ nữ tham gia xóa mù chữ đã rất khó khăn, nhưng việc duy trì kết quả còn khó khăn hơn. Bởi khi về thực tế đời sống, phụ nữ ít có điều kiện và cơ hội tiếp cận với sách báo, ít giao tiếp bằng tiếng Việt thì sẽ bị mai một dần, như vậy tái mù là điều khó có thể tránh khỏi.
Theo khảo sát đánh giá chất lượng hội viên phụ nữ sau xóa mù chữ, hiện nay toàn tỉnh có trên 3.800 phụ nữ tái mù chữ, vẫn còn 13 cán bộ hội chủ chốt ở huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu đã học xong tiểu học nhưng chưa đọc thông, viết thạo.
Để thực hiện tốt công tác xóa mù chữ cho phụ nữ vùng cao thì công tác này tiếp tục cần có sự quan tâm của toàn xã hội; Đảng ủy, chính quyền cơ sở cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên có kế hoạch chỉ đạo, kiểm tra giám sát.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, đặc biệt là các tổ chức hội phụ nữ cần có thêm các hoạt động khác như đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, quan tâm xây dựng các công trình phúc lợi công cộng ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giúp phụ nữ thường xuyên được tiếp cận với chữ viết và giao tiếp bằng tiếng Việt hàng ngày… Quan trọng hơn là chị em sau khi được xóa mù phải có ý thức học tập và rèn luyện thường xuyên, có như vậy thì công tác này mới mang lại kết quả thiết thực.
Kim Tiến