YBĐT – Trong khi các nguồn vốn đầu tư công ở nhiều lĩnh vực bị tạm đình hoãn, cắt giảm mạnh gây nhiều khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp thì nguồn vốn đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2 (vốn năm 2011 chuyển thực hiện năm 2012) và vốn đầu tư của chương trình cho năm 2012 khá dồi dào.
Tổng nguồn vốn của Chương trình thực hiện năm 2012 là trên 206 tỷ đồng; trong đó vốn bổ sung năm 2011 chuyển thực hiện năm 2012 là 121,6 tỷ; tháng 5/2012, Trung ương tạm cấp thêm 85 tỷ đồng (sẽ thông qua phân bổ vốn tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới).
Mặc dù UBND tỉnh đã giao kế hoạch thực hiện rất sớm (tháng 1/2012) nhưng cho tới nay, tiến độ thực hiện các công trình theo danh mục đầu tư vốn Chương trình 135 năm 2011 chuyển thực hiện năm 2012 rất chậm; giá trị thực hiện và giải ngân qua gần 8 tháng đạt… 3,9% trên tổng vốn đầu tư (5/85 tỷ đồng).
Hầu hết các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa khởi công, trong khi các dự án đều chuẩn bị đầu tư từ năm 2011. Dự án hỗ trợ sản xuất vốn đầu tư 20 tỷ đồng chưa giải ngân được một đồng nào. Dự án duy tu bảo dưỡng công trình cũng trong tình trạng tương tự…
Tại sao lại có tình trạng trên? Có nhiều nguyên nhân khiến vốn đầu tư của nhà nước “nằm” chờ trong túi ngân sách, nhưng có thể nêu hai nguyên nhân chủ yếu.
Thứ nhất, UBND một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Khá phổ biến là, trước khi phân bổ vốn, lên danh mục đầu tư một số UBND cấp huyện rất đôn đáo nhưng khi đã thông qua danh mục đầu tư, phân bổ vốn thì hầu như phó mặc cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện (nhất là dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu).
Thứ hai, năng lực triển khai thực hiện của các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện còn nhiều hạn chế, thậm chí yếu kém. Mặc dù tỉnh giao kế hoạch sớm, hầu hết công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã chuẩn bị đầu tư từ năm 2011 nhưng tới nay chưa có công trình nào khởi công. Ách tắc ở đây là việc lựa chọn các nhà thầu, từ tư vấn tới thi công ở một số địa phương, Ban quản lý dự án còn chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực, nhất là các nhà thầu tư vấn thiết kế.
Từ tình hình trên, nhiều người e ngại sẽ không tiêu hết 121,6 tỷ đồng vốn Chương trình 135 năm 2011 chuyển thực hiện năm 2012. E ngại này càng được củng cố khi tới đây HĐND tỉnh sẽ thông qua phân bổ 85 tỷ đồng Trung ương tạm cấp Chương trình 135 năm 2012. Cho dù UBND các địa phương, Ban quản lý dự án có đôn đốc ngày đêm, nhà thầu có “vắt chân lên cổ”thì cũng còn đó sự cản ngăn ghê gớm của thời tiết, mưa bão.
Để vốn đầu tư của Chương trình 135 giải ngân nhanh, cần có khối lượng thực hiện tương ứng; để có khối lượng phải có biện pháp thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Bên cạnh các giải pháp có tính “hàng năm” như tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra của các cấp, các ngành…, cần có biện pháp mạnh.
Đó là, với những công trình, dự án khối lượng đạt thấp không quá 50 – 60%, UBND tỉnh cần cương quyết chỉ đạo thay nhà thầu, hoặc chuyển vốn đầu tư sang công trình có khả năng đạt khối lượng lớn và hoàn thành. Thông qua đây, cần có sự đánh giá, phân loại nhà thầu; đánh giá, củng cố các Ban quản lý dự án, nhất là về nhân sự lãnh đạo.
Chỉ có làm như vậy, mới có thể thúc đẩy nhanh và hoàn thành đúng kế hoạch các dự án đầu tư của một chương trình lớn của Nhà nước nhằm giảm nghèo nhanh và bảo đảm an sinh xã hội ở vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn.
T.A