Mùa tuyển sinh năm học 2012 – 2013 đang đến gần, giảng đường đại học luôn là ước mơ cháy bỏng của các sỹ tử nhưng đó không phải là con đường lập thân, lập nghiệp duy nhất.
Là người theo dõi mảng giáo dục và đào tạo, thời gian qua tôi được tiếp xúc với nhiều trường THPT trên địa bàn, đặc biệt với các bạn học sinh khối 12. Khi được hỏi, sau khi tốt nghiệp THPT, các bạn sẽ làm gì, hầu hết các em đều trả lời: thi vào đại học để mong sau này có được công ăn việc làm ổn định. Điều đó, ai cũng hiểu. Bởi sau 12 năm học phổ thông, đây là cơ hội để các em chứng minh và khẳng định mình.
Các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo đều ủng hộ các em với những quyết định đó. Tuy nhiên, muốn chứng minh và khẳng định mình bằng con đường học lên đại học thì những học sinh đó phải có học lực giỏi hoặc khá trở lên.
Song, thực tế hiện nay có những trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp dạy nghề trên địa bàn tỉnh số lượng học sinh đăng ký làm hồ sơ thi vào các trường đại học năm học này gần như 100%. Hơn nữa, các em làm hồ sơ thi vào các trường đại học có tiếng như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện An ninh, Học viện Ngân hàng, Đại học Thương mại, Đại học Quốc gia Hà Nội… là quá sức đối với bản thân, trong khi đó số học sinh đạt lực giỏi của những trường này chỉ đếm được đầu ngón tay. Vì vậy, nhiều chuyên gia của ngành giáo dục nói đây là hiện tượng “sỹ diện ảo” của các cô cậu học trò.
Học để ra trường có việc làm, đảm bảo cuộc sống, là mong muốn chính đáng của bất kỳ phụ huynh và học sinh nào. Trong bối cảnh đầy biến động hiện nay, các bậc phụ huynh và học sinh cần thay đổi quan niệm trong việc chọn trường, chọn nghề.
Để tránh tình trạng “sỹ diện ảo”, gây tốn kém, lãng phí tiền của của các bậc phụ huynh, trước hết các em hãy tìm cho mình một trường học, một ngành học thực sự phù hợp với sở trường, năng lực của bản thân cũng như điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu của xã hội để khi ra trường có thể phát huy được kiến thức và có việc làm, đảm bảo cuộc sống.
Hơn nữa, để tránh tình trạng học sinh làm hồ sơ tràn lan thì ngay từ đầu năm học, các trường THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên họp phụ huynh học sinh cần tư vấn cho các bậc làm cha mẹ nên định hướng con em thi vào những trường nào, ngành nào cho phù hợp, đồng thời cung cấp thêm cho học sinh thông tin về một số lĩnh vực nghề nghiệp mà xã hội đang có nhu cầu và địa phương cũng đang cần để cung cấp nguồn nhân lực cho các khu kinh tế như: kỹ thuật xây dựng, điện dân dụng, cơ khí – hàn, công nghệ thông tin… có như vậy mới từng bước giải được bài toán “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay.
Văn Tuấn