YênBái – YBĐT – Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là công cụ hỗ trợ đắc lực nhằm nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp cán bộ và nhân dân. Có rất nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả đã và đang được áp dụng và một trong những hình thức tuyên truyền, phổ biến có hiệu quả nhất đó là tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động hòa giải của đội ngũ hòa giải viên cơ sở.
Hòa giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Mục đích của hòa giải ở cơ sở là hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp ngay từ ban đầu, nhằm ngăn chặn tình trạng “cái sảy nảy cái ung” hay “việc bé xé ra to”, không để việc nhỏ phát sinh thành việc lớn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Do đó, hòa giải ở cơ sở là một truyền thống, một đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hoạt động hòa giải mang đậm tính nhân văn, hoạt động vì mọi người và trên cơ sở tình người.
Với những ý nghĩa tốt đẹp trên, công tác hòa giải có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng tình làng, nghĩa xóm đầm ấm, đùm bọc, giúp đỡ nhau, xây dựng xã hội bình yên, giàu mạnh, tăng cường tình đoàn kết trong nhân dân và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân. Thông qua việc phát hiện và giải quyết tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý xã hội ở cơ sở.
Công tác hòa giải có hiệu quả sẽ góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện trong nhân dân, giảm bớt tình trạng gửi đơn kiện cáo lên tòa án, cơ quan hành chính cấp trên, giúp cho các cơ quan nhà nước giảm bớt việc giải quyết đơn thư khiếu kiện không cần thiết, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân.
Công tác hòa giải đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương của Đảng và Nhà nước, từng bước xây dựng ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong nhân dân.
Điều 127 Hiến pháp 1992 quy định: “Ở cơ sở thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật”. Trên cơ sở quy định này của Hiến pháp, ngày 25/12/1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; ngày 18/10/1999 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đây là những văn bản pháp lý thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở, khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu được của công tác này trong đời sống cộng đồng.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay có tổng số 10.726 hòa giải viên, thuộc 2.259 tổ hòa giải cơ sở. Tổ trưởng các tổ hòa giải chủ yếu là các tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, bản và các bí thư chi bộ tại địa phương. Các hòa giải viên là những người trực tiếp sinh sống tại cộng đồng dân cư, có kiến thức pháp luật, có uy tín với bà con. Hầu hết, các hòa giải viên thường là những người hoạt động không chuyên trách và hàng ngày còn đang phải vật lộn mưu sinh. Mỗi năm, các tổ hòa giải tiến hành thụ lý khoảng 1.000 đến 1.200 vụ việc, trong đó số vụ việc hòa giải thành chiếm số lượng lớn, đạt khoảng trên 70%, chỉ có một số ít là hòa giải không thành và số còn lại là chuyển cấp có thẩm quyền giải quyết. Điều đó chứng tỏ trình độ am hiểu kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải của đội ngũ hòa giải viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Năm 2005, tỉnh Yên Bái tổ chức cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” lần thứ nhất, đó là một hoạt động thực sự bổ ích để các hòa giải viên có cơ hội giao lưu, học hỏi và trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hòa giải.
Tuy nhiên, hiện nay trên thực tế, công tác hòa giải ở cơ sở và đặc biệt là chế độ thù lao bồi dưỡng cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở còn có nhiều bất cập, thậm chí có nơi không hề nhận được sự quan tâm của chính quyền cơ sở. Hầu hết UBND các xã, thị trấn còn chưa ban hành bất kỳ văn bản nào để chỉ đạo, triển khai cũng như chưa quan tâm đến việc sơ kết, tổng kết hàng năm về công tác hòa giải. Các tổ hòa giải và các hòa giải viên hoạt động ra sao cũng không báo cáo chính quyền và chính quyền cũng không nắm được cụ thể về tình hình hoạt động cũng như kết quả hòa giải cơ sở.
Còn về chế độ thù lao, bồi dưỡng cho đội ngũ hòa giải viên thì lại càng không có gì, tất cả chỉ vì địa phương không có kinh phí. Mặc dù theo quy định của Thông tư số 63/TT-BTC có một phần quy định về chế độ thù lao cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở khi tiến hành hòa giải tại cơ sở, nhưng cho đến thời điểm này, số tiền thù lao này còn quá ít ỏi và mới chỉ dừng lại ở việc trang bị sổ, bút ghi chép, thậm chí có địa phương không hề dành bất kỳ một khoản kinh phí nào cho công tác này, hòa giải viên thì không hề nhận được bất kỳ một khoản thù lao nào (dù là nhỏ nhất) để động viên, khuyến khích họ tích cực tham gia công tác, thậm chí họ còn phải bỏ tiền túi ra mua sổ, mua bút ghi chép và tài liệu để tự trau dồi nghiệp vụ.
Trong khi đó, để thực hiện một vụ hòa giải cần có sự đầu tư rất nhiều, cả về thời gian và công sức, bởi khi tiến hành hòa giải không chỉ là việc hòa giải viên phải thuộc lòng các quy định của pháp luật, mà còn đòi hỏi phải có kinh nghiệm, vốn sống phong phú, có nghệ thuật vận động, thuyết phục khéo léo, tinh tế thì mới giúp các bên tranh chấp nhận thức đúng đắn về sự việc, từ đó mới có hành vi ứng xử phù hợp. Chính vì thế, khi có một vụ việc cần hòa giải thì hòa giải viên phải trở đi, trở lại gặp gỡ, trao đổi, thuyết phục các bên tranh chấp nhiều lần.
Bên cạnh đó, việc chính của các hòa giải viên không phải là chỉ đi thực hiện các vụ hòa giải, họ còn bao nhiêu nỗi lo mưu sinh đang đè nặng trên vai mà với những sự quan tâm, ưu đãi như trên thì liệu có bao nhiêu hòa giải viên còn thực sự có tâm huyết? Thực tế là có một số lượng không nhỏ các tổ hòa giải và các hòa giải viên chỉ hoạt động cầm chừng, mang tính hình thức. Và như thế, chất lượng, hiệu quả của công tác hòa giải cũng không được như mong muốn.
Thiết nghĩ, không chỉ ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn mà chính quyền địa phương các cấp cần có sự quan tâm thiết thực, cụ thể và sâu sát hơn nữa đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Có thể định kỳ tổ chức cuộc thi hòa giải viên giỏi các cấp để các hòa giải viên được thường xuyên học hỏi, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, hàng năm xây dựng kế hoạch chi ngân sách dành cho công tác này và quy định định mức chi bồi dưỡng cụ thể cho các hòa giải viên. Các cấp chính quyền cần có nhiều hơn nữa các chính sách quan tâm, ưu đãi đối với đội ngũ hòa giải viên cơ sở, đó chính là đòn bẩy, là động lực để khuyến khích, động viên họ ngày càng yêu nghề, ngày càng tâm huyết với nhiệm vụ đã được bà con nhân dân và cộng đồng đã tín nhiệm giao phó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giữ vững an ninh trật tự, an toàn trên địa bàn.
Khánh Thư