YênBái – YBĐT – Khi cuộc vận động “Hai không” và “Bốn không” đang được triển khai sâu rộng và thu được những kết quả thì ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã và đang xuất hiện tình trạng một số lượng không nhỏ học sinh không muốn và không đến trường.
Cuộc vận động “Hai không” và năm học này là cuộc vận động “Bốn không” trong ngành giáo dục ở thị xã Nghĩa Lộ được triển khai mạnh mẽ, nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Căn bệnh thành tích trong giáo dục đang thuyên giảm, tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp đang được khắc phục.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục – Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ thì riêng khối trung học cơ sở và tiểu học trong năm học 2006 – 2007 có tới 211 học sinh lưu ban (cao nhất từ trước tới nay). Thế nhưng, khi cuộc vận động “Hai không” và “Bốn không” đang được triển khai sâu rộng và thu được những kết quả thì ở thị xã Nghĩa Lộ đã và đang xuất hiện tình trạng một số lượng không nhỏ học sinh không muốn và không đến trường.
Điều đáng nói, là đứng trước tình trạng trên, ngành giáo dục thị xã Nghĩa Lộ đã chỉ đạo cho các nhà trường cử giáo viên vận động thuyết phục, nhưng xem ra biện pháp này kém hiệu quả, vì đơn giản là các em “không thích đi học nữa”, cha mẹ học sinh cũng không thiết tha và nhất là “ở nhà để lao động kiếm tiền”.
Không thể thuyết phục, giải pháp tình thế là tổ chức các lớp học bổ túc văn hoá buổi tối. Đã có 4 lớp học được mở và thu hút 85 học sinh theo học. Trong đó, phường Cầu Thia mở 1 lớp, thu hút 18 học sinh; xã Nghĩa Lợi mở 1 lớp, thu hút 24 học sinh, xã Nghĩa An mở 1 lớp, thu hút 22 học sinh, xã Nghĩa Phúc mở 1 lớp, thu hút 21 học sinh. Nhưng cách này cũng không thể nói là không có vấn đề, chẳng hạn như chất lượng dạy và học không được đảm bảo, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên…
Chúng tôi đến lớp học bổ túc văn hoá buổi tối ở xã Nghĩa An đúng vào dịp thị xã đang triển khai “Tuần lễ văn hoá – du lịch Mường Lò” và thấy rằng lớp học rất vắng vẻ, mấy bạn trẻ đang tụ tập trên đường ra bản Đêu giải thích: “Không đi học nhiều vì hôm nay có Hội chợ và nhiều trò vui khác!”.
Theo số liệu thống kê, ngay trong tuần đầu tiên của năm học 2007 – 2008, thị xã Nghĩa Lộ đã có 144 học sinh bỏ học, đa số là những em có lực học kém, bị lưu ban từ năm học trước và tập trung ở các khối THPT từ lớp 7 đến lớp 9. |
Trong tổng số 144 học sinh bỏ học ngay trong tuần đầu của năm học này thì Trường THCS Hoàng Văn Thụ ở xã Nghĩa Phúc có số lượng học sinh bỏ học nhiều nhất với 29 em, chiếm gần 10% tổng số học sinh toàn trường. Gần 30 em đồng loạt bỏ học là con số không nhỏ nhưng nếu không có sự cố gắng của nhà trường trong việc động viên, giáo dục thuyết phục, thực hiện tốt các chế độ ưu đãi theo quy định như miễn giảm học phí, cho mượn sách giáo khoa, chi trả tiền hỗ trợ học sinh nghèo… thì chắc chắn con số này còn lớn hơn. Vì chỉ tính riêng năm học vừa qua, nhà trường có 57 học sinh học kém phải lưu ban và rất nhiều em đã lớn, luôn có tư tưởng bỏ học đi kiếm tiền; đặc biệt, có em gái học lớp 8 nhưng bỏ học để ở nhà lấy chồng!…
Chúng tôi dạo qua các lớp học của Trường Hoàng Văn Thụ vào chiều ngày 16/10, lớp nào cũng có một cái bàn không có học sinh ngồi. Thông qua các bạn lớp trưởng thông báo sỹ số, thì lớp nào cũng có 3 – 4 em vắng không lý do, chưa kể số bạn lớp mình không đi học nữa hoặc chuyển sang bổ túc văn hoá buổi tối. Một ngôi trường được xây dựng rất khang trang, bàn ghế sạch đẹp, chỉ cách xa trung tâm thị xã chưa đầy 1 km, sao lại có tình trạng này?
Trái lại với tâm trạng băn khoăn của chúng tôi, thầy hiệu trưởng nhà trường giải thích: “Ca chiều toàn lớp bé nên khá đông đủ, nếu các anh đến ca sáng thì còn vắng hơn”. Rồi thầy giải thích thêm: “ Phần lớn học sinh trong trường là con nhà nghèo, qua điều tra có tới 152 học sinh trên tổng số 321 học sinh toàn trường là con nhà nghèo. Các cháu lớn một tý là muốn đi làm để phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, quan trọng nhất là vấn đề nhận thức, có những em học được nhưng cương quyết nghỉ để đi bán hàng thuê, có em ở nhà lấy chồng và nhất là nhiều cha mẹ các em không thiết tha cho con mình đi học!”.
Khi được hỏi vì sao lại đồng ý cho con nghỉ học thì nhiều cha mẹ học sinh ở bản Xa, xã Nghĩa Lợi và nhiều xã, phường khác đều có chung một ý kiến: “Nó học kém quá, không học được nữa thì nghỉ mà đi làm. Biết chữ là được rồi, học nhiều cũng chỉ làm ruộng hay lên rừng thôi!”.
Tình trạng bỏ học ở nhà kiếm ăn, tư tưởng học nhiều cũng chỉ làm rừng, làm ruộng đang khiến cho nhiều học sinh trung học cơ sở ở thị xã Nghĩa Lộ thất học. Biện pháp chống bỏ học phải được ngành giáo dục và các cấp, các ngành, gia đình cùng tìm biện pháp, hợp lực mới giải quyết được, nếu chỉ có ngành giáo dục thị xã Nghĩa Lộ thôi thì mục tiêu hoàn thành chương trình phổ cập trung học phổ thông ở đây rất khó thực hiện.
Tấn Đạt