YênBái – YBĐT – Chuyến công tác mới đây tại huyện Văn Chấn và Trấn Yên, đồng chí Hoàng Xuân Lộc – Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè “Cần liên kết chặt chẽ với nông dân, xây dựng vùng chè nguyên liệu tập trung, đổi mới cơ cấu giống và công nghệ, gắn sản xuất, chế biến với thị trường tiêu thụ”.
Điều đó càng được khẳng định khi đồng chí Hoàng Xuân Lộc và đoàn công tác làm việc với với Công ty cổ phần Chè Trần Phú (nằm trên địa bàn huyện Văn Chấn), doanh nghiệp trước đây chuyên sản xuất chè đen xuất khẩu, nhưng nay do không có thị trường tiêu thụ, lại thiếu đi những yếu tố này nên tình hình sản xuất kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết, Công ty không có ký kết hợp đồng mua bán chè nguyên liệu với nông dân dẫn tới không có nguyên liệu sản xuất. Tình trạng tư thương mua “chè vàng” với giá cao trong 6 tháng đầu năm có thời điểm lên đến 5.500 đến 6000 đồng/kg chè búp tươi không phân loại đã đẩy giá nguyên liệu lên cao.
Không thu mua được nguyên liệu để sản xuất trong tháng 3, tháng 4, tháng 5 cộng thêm thị trường những tháng đầu năm chủ yếu là “chè vàng”, chè phơi, trong khi mặt hàng sản xuất chủ yếu của Công ty là chè đen, chè xanh không có nơi tiêu thụ, tiêu thụ chậm, giá bán thấp, giá nguyên liệu cao nên doanh thu đạt thấp, sản xuất không có lãi. Hiện giá chè nguyên liệu đã hạ và Công ty bắt đầu đi vào sản xuất các loại chè xanh giống nhập nội hợp thị hiếu khách hàng. Cùng với duy trì bạn hàng truyền thống, Công ty đang tìm kiếm thị trường mới.
Cũng trong buổi làm việc này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đặt ra khá nhiều câu hỏi với Ban giám đốc Công ty: “ Theo các đồng chí thì tại sao doanh nghiệp mình chưa mua được chè ? Và nên liên kết thế nào để người dân bán chè cho Công ty?”. Rồi: “Có nhất thiết phải giữ Nhà máy theo qui mô lớn như hiện nay hay không? Có thể trước to hiệu quả, giờ không phù hợp làm nhỏ, đầu tư giống mới, thiết bị mới sản xuất gắn với thị trường sản xuất ra các loại chè chất lượng cao bán với giá cao liệu có hiệu quả hơn không?”
Đồng chí cũng cho rằng: Công ty cần chấp nhận cạnh tranh, đẩy mạnh cải tạo chè già cỗi, đầu tư giống mới, vật tư cho nông dân trồng chè, mạnh dạn để họ trở thành cổ đông gắn bó với nhà máy. Người trồng chè sẽ trở thành người góp vốn kinh doanh, trước mắt là vận động những hộ trồng chè lớn tham gia; ký hợp đồng liên kết, vận động nông dân bán chè nguyên liệu cho nhà máy. Công ty cần mạnh dạn đầu tư, sau hai đến ba năm có 100 ha chè định hình, lắp đặt 1 đến 2 dây chuyền chế biến chè xanh chất lượng cao để sản xuất. Khi ít có thể chạy một dây chuyền, nhiều thì chạy cả hai.
Nếu Công ty phối hợp tốt với thị trấn Nông trường Trần Phú, ký hợp đồng với dân liên kết “4 nhà”, tương lai 470 ha chè trong vùng nếu hoàn thành cải tạo bằng giống mới sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào cho doanh nghiệp. Công ty cũng có thể mở rộng ra phát triển du lịch sinh thái trên các đồi chè, có nơi thưởng trà, phố văn hoá trà để có thể giới thiệu sản phẩm bán tại chỗ. Nhà máy cũ có thể thành “bảo tàng chè” cho khách tham quan…Doanh nghiệp có thể đăng ký dự án với tỉnh để tỉnh có chính sách ưu đãi giúp Công ty thoát khỏi khó khăn và phát triển.
Cùng một địa bàn, Công ty cổ phần Chè Liên Sơn thì lại khác hẳn. Trước đây là một doanh nghiệp nhỏ hơn nhiều, nhưng do tiếp cận được với thị trường Trung Quốc đầu tư sản xuất nhiều loại chè xanh, trong đó có chè tuyết Shan vùng cao đang được bán với giá 60.000 đồng/kg thành phẩm nên trong 6 tháng đầu năm, mặc dù nhiều doanh nghiệp khác phải đóng cửa do nạn “chè vàng”, nhưng ở Công ty Chè Liên Sơn người lao động vẫn có việc làm ổn định, đơn vị sản xuất kinh doanh có lãi. Đây là kết quả của việc doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với các xã, thị trấn trong vùng nguyên liệu, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo Quyết định 80 của Chính phủ với 638 hộ làm chè trong và ngoài địa bàn; cung ứng vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, hướng dẫn kỹ thuật thu hái, hỗ trợ xây bể nước…đã khiến nông dân gắn bó với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, giá chè búp luôn được Công ty mua sát giá thị trường, nên kể cả khi giá “chè vàng” lên cao nông dân vẫn trung thành với nhà máy. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của Công ty vẫn đạt trên 4 tỷ 372 triệu đồng. Hiện Công ty đang mua chè búp tươi ổn định cho nông dân với giá 2.300 – 2.800 đồng/kg chè trung du, 4000 – 5000 đồng/kg chè Phúc Vân Tiên, Bát Tiên và 10.000 – 12.000 đồng/kg chè tuyết Shan. Doanh nghiệp còn đang nghiên cứu sản xuất “chè vàng” cao cấp sản xuất từ chè Shan tuyết xuất sang Trung Quốc mỗi năm 100 tấn chè thành phẩm.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh vui mừng vì có một doanh nghiệp như Công ty cổ phần Chè Liên Sơn đã nhanh nhạy, thích ứng với nhu cầu thị trường, tự lực vươn lên bằng khai thác nội lực vốn có của mình. Đồng chí cũng biểu dương huyện Văn Chấn đã phát triển vùng nguyên liệu theo qui hoạch rõ rệt, đặc biệt là vùng chè Shan tuyết; quản lý tốt thị trường dẹp bỏ các nhà máy công nghệ không đảm bảo và hợp với qui hoạch. Đặc biệt giữa nông dân và nhà máy đã có sự liên kết. Dù thành công mới chỉ là ban đầu nhưng nó chứa đựng những cái mới để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại đáp ứng yêu cầu thị trường.
Mong muốn của đồng chí Chủ tịch là doanh nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả liên kết với nông dân, hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với sản xuất và thị trường xuất khẩu. Nông dân với nhà máy cùng chia sẻ hiệu quả và rủi ro. Cần có quĩ rủi ro đề phòng chè tươi rớt giá mua để hỗ trợ cho người dân. Khi nhà máy khó khăn dân sẵn sàng bán chịu cho nhà máy. Cần đi vào đầu tư thâm canh, sản xuất với trình độ công nghệ cao và phát triển vùng chè nguyên liệu nhanh hơn nữa, mở rộng phát triển chè Shan tuyết ở 6 xã vùng lân cận đưa chè Liên Sơn trở thành sản phẩm có thương hiệu.
Đồng chí cũng đồng quan điểm với việc trồng và chế biến chè Bát Tiên ở huyện Trấn Yên. Đây là giống chè đang tiêu thụ tốt trên thị trường với giá 100.000 đồng/kg chè đóng gói. Nông dân sau sơ chế đang bán cho các cơ sở sản xuất với giá 80.000 đồng/kg. Huyện Trấn Yên đang có chủ trương tiếp tục mở rộng cải tạo chè cỗi bằng giống chè này để tạo ra vùng nguyên liệu lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Minh Đức