YBĐT – Có tiềm năng thế mạnh về đồi rừng nhưng không có trang trại lâm nghiệp nào của Yên Bái đạt mô hình trang trại theo tiêu chí mới.
Đây quả là điều đáng suy nghĩ. Vì theo kết quả trong 7 cơ sở của Yên Bái đạt mô hình trang trại theo tiêu chí mới như quy định của Thông tư số 27/2011/TT – BNN-PTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận trang trại thì không có trang trại nào thuộc lĩnh vực lâm nghiệp.
Điều này không có nghĩa là trang trại lâm nghiệp cũng như kinh tế rừng chúng ta không phát triển. Thực tế, với 70% diện tích là đất lâm nghiệp, toàn tỉnh hiện có gần 4 vạn hộ dân tham gia nhận đất lâm nghiệp để bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng và chăm sóc rừng.
Trong đó đã có nhiều trang trại đạt tiêu chí quy định của Bộ (tiêu chí cũ bình quân mỗi trang trại quản lý từ 5 – 7 ha rừng, trong đó có trang trại quy mô diện tích từ 30 – 50 ha), góp phần để hàng năm tạo sản lượng khai thác hàng trăm ngàn mét khối gỗ và hành ngàn tấn nguyên liệu tre, vầu nứa; vỏ quế, tre măng Bát Độ… với giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Đây cũng là tiền đề để nhiều nhà máy, công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và nhiều hộ gia đình kinh doanh chế biến gỗ rừng trồng, tạo ra nhiều sản phẩm phong phú như: giấy đế, đũa gỗ, bao bì…; tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần đắc lực xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của nhân dân.
Tuy nhiên, do các trang trại của tỉnh chủ yếu trồng rừng nguyên liệu, trên thực tế vòng quay của một chu kỳ cây quá dài (trung bình 6 – 7 năm), suất đầu tư lại lớn; cơ sở hạ tầng nhất là đường giao thông còn quá thiếu; giá công chăm sóc, khai thác vận chuyển ngày càng cao nên nhiều chủ rừng sau một chu kỳ khai thác tính toán trừ mọi chi phí (nhất là công khai thác, vận chuyển…) lợi nhuận mỗi năm thu về chẳng còn là bao, thậm chí lỗ.
Đối với nhiều chủ trang trại, làm kinh tế đồi rừng vẫn chỉ như “gom tiền bỏ ống”. Đối chiếu quy định về tiêu chí trang trại mới với quy mô diện tích 31 ha trở lên, nhiều trang trại chúng ta đạt tiêu chí này, nhưng tiêu chí giá trị sản lượng hàng hoá bình quân đạt 500 triệu đồng/năm/trang trại trở lên thì lại đều không đạt được.
Cơ sở chế biến gỗ rừng trồng của anh Trần Mạnh Tuấn, thôn Đồng Bằng, xã Lương Thịnh (Trấn Yên) tạo việc làm thường xuyên cho 6-10 lao động có thu nhập từ 1,5 – 2 triệu đồng/người/tháng.
Có tiềm năng thế mạnh mà không phát huy được, không xây dựng được những trang trại có quy mô và giá trị sản xuất hàng hoá lớn thì quả là điều đáng tiếc.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp cũng như từng trang trại lâm nghiệp, đưa kinh tế rừng trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, giải pháp đề ra đối với cơ quan quản lý, các cấp chính quyền là cần tiếp tục đổi mới tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp, đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch và giám sát phát triển lâm nghiệp; hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ rừng, các chủ trang trại, bảo đảm đúng quy định chính sách đất đai của Nhà nước, tạo điều kiện cho các hộ yên tâm đầu tư và tích tụ đất đai.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ lâm nghiệp với việc nghiên cứu đưa các giống cây mới, chu kỳ ngắn, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Tăng nguồn lực đầu tư, trong đó có đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông; hoàn thiện chính sách về xây dựng và phát triển rừng.
Tiếp tục tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ dân để họ đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là đường giao thông, chuyển đổi cây trồng, đồng thời lồng ghép có hiệu quả các dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn… với các dự án lâm nghiệp nhằm tăng hiệu quả đầu tư.
Có chính sách thu hút để phát triển các khu công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản gắn với vùng sản xuất tập trung, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển… Đối với những hộ làm kinh tế trang trại cần tiếp tục mạnh dạn đổi mới mô hình theo hướng tổng hợp, kết hợp trồng rừng với chế biến, chăn nuôi; mạnh dạn đưa loại cây mới như: cây thuốc chữa bệnh, thảo quả, quế… xen canh cùng rừng sản xuất, như vậy chắc chắn giá trị sản xuất sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng KHKT, huy động vốn tích tụ đất rừng, liên doanh liên kết các trang trại, các hộ dân trong việc hình thành vùng nguyên liệu cũng như hợp sức phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, đảm bảo đầu ra ổn định…
Nâng cao hiệu quả kinh tế đồi rừng cũng như hiệu quả kinh tế của mỗi trang trại là chìa khoá để xoá đói giảm nghèo cũng như làm giàu cho nông dân mà tinh thần Nghị quyết TƯ 7 khoá X của Đảng đã đề ra về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Nguyễn Đình