YBĐT – Sau 3 năm Luật Công đoàn có hiệu lực, hầu hết các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp các cấp đã chấp hành và thực hiện tốt quy định về đóng kinh phí công đoàn. Song, một số doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012, Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc các thành phần kinh tế chưa có tổ chức công đoàn.
Năm 2015, Yên Bái đã thực hiện thu kinh phí công đoàn của 6 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, đạt 100% kế hoạch, thu 2/6 doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, đạt 33,3%. Năm 2016, đã lập và giao dự toán thu kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn cho 11 doanh nghiệp. 5 tháng đầu năm 2016, thực hiện thu kinh phí công đoàn khối hành chính sự nghiệp, đạt 34,7%, khối sản xuất kinh doanh đạt 50,4%.
Trong đó, thu của khối doanh nghiệp có kinh phí công đoàn đạt 60,5% và chưa thu được kinh phí công đoàn của một doanh nghiệp nào trong khối chưa có tổ chức công đoàn. Vì chưa thu được nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của công đoàn, trong đó có công tác tuyên truyền; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tổ chức các phong trào thi đua; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước; động viên, khen thưởng người lao động…
Để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công đoàn, tạo điều kiện cho hoạt động của tổ chức công đoàn tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức khác sử dụng lao động trên địa bàn, những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức khác sử dụng lao động cần nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật, nêu cao trách nhiệm của mình với người lao động trong đơn vị, doanh nghiệp, thực hiện nghiêm quy định về đóng kinh phí công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012, Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Liên đoàn Lao động tỉnh cần tăng cường chỉ đạo liên đoàn lao động các cấp, công đoàn ngành chủ động phối hợp với cơ quan tài chính, thuế, thanh tra, bảo hiểm xã hội, kho bạc Nhà nước cùng cấp phối hợp, đôn đốc thực hiện. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xác định số kinh phí công đoàn phải nộp và yêu cầu các đơn vị đóng kinh phí công đoàn đầy đủ, kịp thời về liên đoàn lao động, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được phân cấp; cung cấp danh sách các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã còn tồn đọng đóng kinh phí công đoàn với chính quyền các cấp và các ngành chức năng có liên quan để phối hợp chỉ đạo thực hiện.
Mặt khác, các cơ quan như: thuế, bảo hiểm xã hội, thanh tra, Công an tỉnh cần tăng cường hơn nữa trong phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh kiểm tra, kiểm soát và đôn đốc các đơn vị đóng kinh phí công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn. Người đứng đầu các sở, ban, ngành của tỉnh, chủ tịch UBND các địa phương thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý về việc thực hiện đóng kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, cán bộ công đoàn cần nhận thức rõ, đầy đủ về lĩnh vực tài chính công đoàn, tiếp cận thu kinh phí công đoàn từ khối doanh nghiệp; cần kiên trì tiếp cận doanh nghiệp qua tuyên truyền, vận động để chủ doanh nghiệp tự giác thực hiện nghĩa vụ; rà soát, khảo sát toàn bộ doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội để nắm số lao động và quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ thu kinh phí công đoàn.
Thành Trung