YênBái – YBĐT – Theo số liệu từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2007 toàn tỉnh Yên Bái có 27 trẻ em bị chết đuối; 44 trường hợp tai nạn giao thông; 18 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, tập trung chủ yếu ở huyện Văn Yên, thị xã Nghĩa Lộ, Lục Yên.
Sau một tuần điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tuy đã thoát khỏi bàn tay “tử thần” nhưng những vết sẹo hằn sâu trên da thịt vẫn là nỗi ám ảnh với cháu Hoàng Anh Tuấn, 10 tuổi. Chỉ vì nghịch ngợm cộng với sự bất cẩn của người mẹ đã khiến cháu phải vào bệnh viện cấp cứu. Chị Nguyễn Thi Hiền, mẹ cháu kể: “Cháu cùng mấy đứa bạn đá bóng trên vỉa hè, khi bóng rơi xuống lòng đường, Tuấn chạy theo lấy bóng. Kết quả thì…”.
Không chỉ riêng cháu Tuấn, chúng tôi còn chứng kiến cái chết đau lòng của cháu Hoàng Văn Đ., con của chị Vũ Thị Th. ở thôn Hồng Hà, thị trấn Mậu A (Văn Yên). Là học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, sau khi nghỉ hè được hai ngày, Đ đi tắm ở sông Hồng, khi ra tắm ở điểm sâu, Đ. đã bị hụt và dẫn đến cái chết oan uổng. Hay trường hợp của của cháu Hoàng Quốc Khánh V. và Hoàng Quốc Khánh X., con chị Vượng Thị T. ở Khe Hóp, xã Yên Hợp (Văn Yên). Vì bận việc, chị T. gửi con cho ông bà trông hộ nhưng trong lúc bất cẩn, không để ý đến cháu, cả V. và X. đi chơi và không may rơi xuống hố nước, không có ai phát hiện kịp thời nên hai cháu đã chết.
Theo số liệu từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2007 toàn tỉnh Yên Bái có 27 trẻ em bị chết đuối; 44 trường hợp tai nạn giao thông; 18 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, tập trung chủ yếu ở huyện Văn Yên, thị xã Nghĩa Lộ, Lục Yên.
Bà Lê Thu Lan – Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Yên Bái: Ngành đã và đang tích cực tuyên truyền tới từng địa phương, từng gia đình về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, hướng cộng đồng xây dựng môi trường lành mạnh cho trẻ; đồng thời đề xuất phối hợp với Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch mở lớp tập huấn bơi cho các em, mở những lớp năng khiếu giúp cho các em có sân chơi bổ ích để tránh những tai nạn thương tích, xâm hại và bạo hành”. |
Ở nông thôn, hè là dịp để các thành viên nhí trong gia đình đóng góp công lao động với các việc như chăn trâu cắt cỏ, lên nương xuống ruộng… Các em là những lao động thực thụ trong gia đình. Bởi nông thôn không có điều kiện cho các em đến những lớp học năng khiếu, hơn nữa gia đình chưa đủ điều kiện để cho con em mình được đi nghỉ mát, tham quan, học thêm trong kỳ nghĩ hè còn là chuyện hiếm.
Vì thế các em, ngoài công việc lao động cùng gia đình thì hè đồng nghĩa với tự do. Mà đất quê thì rộng nên trẻ chăn trâu, cắt cỏ hay trèo cây, tắm sông, mò cua bắt ốc… làm vui trong khi bố mẹ miệt mài với công việc đồng áng mà không còn thời gian quản lý đến con. Nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn thương tích đối với trẻ em vùng nông thôn dường như đang rình rập mỗi ngày.
Còn với trẻ con thành phố, vì thiếu sân chơi nên các em phải vui chơi trên các hành lang nhỏ, thậm chí đá, đá cầu ngay trên các tuyến đường mà có xe cơ giới thường xuyên qua lại nên đã xảy nhiều vụ tai nạn giao thông không đáng có đã xảy ra.
Để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ có thể gây tai nạn thương tích ở trẻ em, ngoài trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc quản lý con em, các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các nhà trường, phải vào cuộc một cách năng động, thiết thực và hiệu quả để quản lý sinh hoạt và hoạt động của các em.
Chính quyền cơ sở, thôn bản, khối phố, làng xóm cần quan tâm, phối hợp với nhà trường lồng ghép chương trình học tập vui chơi theo phương châm “học mà chơi, chơi mà học” để giúp các em có sân chơi bổ ích, lành mạnh để sinh hoạt hè của các em thật sự lý thú. Có như thế mới tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy xa.
Hà Tĩnh