YênBái – YBĐT – Từ nhiều năm nay, sản xuất cây vụ đông đã trở thành chính vụ, nhưng đối với vụ đông 2008-2009, được dự báo là gặp rất nhiều khó khăn, giá giống, vật tư phân bón tăng cao, nhiều công trình thủy lợi bị lũ phá hỏng chưa khắc phục được, mùa vụ bị chậm lại do ảnh hưởng của đợt rét đầu năm…
Trong khi mục tiêu của vụ đông năm nay là phải tăng diện tích, năng suất để bù đắp trên 8 ngàn tấn lương thực do rét đậm, rét hại và lũ lụt gây ra. Nhiệm vụ không phải là bất khả thi, nhưng để thực hiện được cần phải có sự nỗ lực cao và đồng bộ của các huyện, thị và bà con nông dân.Như chúng ta đã biết, sản xuất nông nghiệp năm 2008 gặp quá nhiều bất lợi, đầu năm rét đậm, rét hại kéo dài làm cho trên 10 ngàn ha phải gieo cấy lại. Trong sản xuất vụ mùa, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 làm cho 3.700 ha lúa bị ngập úng và vùi lấp, trong đó có 2 ngàn ha bị mất trắng. Hết bão số 4 thì lại đến cơn bão số 6, làm hàng trăm ha lúa của huyện Lục Yên, Văn Yên bị thiệt hại.
Mặc dù ngành nông nghiệp, các huyện, thị, thành phố và bà con nông dân đã có nhiều cố gắng, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ giống, giá giống, kỹ thuật khắc phục, khôi phục sản xuất khá hiệu quả nhưng do mức độ thiệt hại quá lớn, mùa vụ bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn tới diện tích gieo trồng cây lương thực cả năm chỉ đạt 56.537 ha, đạt 98,7% kế hoạch.
Diện tích không đạt cũng đồng nghĩa với tổng sản lượng lương thực giảm trên 25 ngàn tấn, một con số không hề nhỏ. Đặc biệt, diện tích gieo cấy lúa giảm 2.189 ha, dù năng suất tăng 0,5 tạ/ha, song sản lượng thóc ước chỉ đạt 169.275 tấn, giảm 8.900 tấn so với cùng kỳ.
Mục tiêu sản xuất vụ đông là 10.800 ha, trong đó ngô 6.770 ha (ngô khắc phục sau bão lũ 2.880 ha), khoai lang 1.480 ha, khoai lang 270 ha và 2.280 ha rau đậu. Tổng sản lượng đạt trên 50 ngàn tấn, phấn đấu giá trị đạt 120 tỷ đồng, bình quân mỗi ha thu nhập 13 triệu đồng. |
Do sản xuất lúa vụ xuân gặp rét đậm, rét hại làm chết nhiều diện tích lúa, dẫn tới phải cấy lại nên ảnh hưởng chuyển tiếp thời vụ sản xuất vụ mùa. Trà lúa mùa sớm để làm cây vụ đông trỗ muộn hơn 10-15 ngày, nên thời vụ sản xuất vụ đông đặc biệt là đối với cây ngô là rất kíp, đòi hỏi phải có sự khẩn trương cao độ.
Cùng với thời gian cho gieo trồng vụ đông hạn chế, rét đậm, rét hại, bão lũ gây thiệt hại rất lớn cho nhiều hộ nông dân, nhất là hộ nông dân nghèo, vốn đầu tư không thu lại được. Trong khi giá vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng chóng mặt.
Trước những thực tế đó, ngoài những giải pháp về giống, kỹ thuật, yêu cầu trước mắt hiện nay là các huyện thị, nhất là các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái, Yên Bình, Lục Yên cần khẩn trương chỉ đạo bà con nông dân vệ sinh đồng ruộng sau lũ để trồng ngô, đậu tương và các loại rau đậu.
Đối với diện tích trồng vụ đông trên đất hai vụ lúa, vận động bà con nông dân khẩn trương thu hoạch trà màu sớm nhanh, gọn, thu hoạch đến đâu làm đất ngay đến đó và trồng ngô bầu và các loại cây trồng khác. Về giống, sử dụng các giống ngắn ngày như: LVN4, B06, NK4300, C919 và CP989 và phải làm bầu trước khi thu hoạch lúa từ 5-7 ngày. Tùy theo điều kiện cụ thể từng vùng, có thể gieo trồng các loại dưa chuột, bầu bí, nhưng thời vụ phải kết thúc trước ngày 20/10/2008.
Với diện tích trồng cây rau đậu, nên đưa các loại rau đậu ôn đới và các giống đặc sản địa phương: Dưa chuột Đài Loan, Trung Quốc, bí xanh, cải ngọt… và bố trí trồng thành nhiều đợt để rải vụ và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trong đầu tư thâm canh, đảm bảo phân bón và bón phân cân đối, hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ và rơm rạ để che phủ cho đất. Một vấn đề nữa không thể không làm, là việc quy hoạch vùng sản xuất rau theo hướng hàng hoá và hướng dẫn thực hiện quy định về rau an toàn, nâng cao giá trị.
Với sự quyết tâm trong chỉ đạo, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là bà con nông dân, chắc chắn mục tiêu trong sản xuất vụ đông sẽ đạt được.
Thanh Phúc