YênBái – YBĐT – Theo tính toán, có 34% dân số tỉnh Yên Bái thuộc diện người nghèo, người dân vùng 135 và cựu chiến binh thời kỳ chống Pháp, Mỹ. Đây là những đối tượng có mức thu nhập thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, với sự nỗ lực của các ban, ngành, địa phương, đến thời điểm này đã có trên 250.000 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được cấp cho ba đối tượng trên và việc đó đã tạo điều kiện để họ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí.
Dù đã triển khai trên địa bàn nhiều năm, nhưng năm nay mới là năm đầu ngành LĐ-TB&XH nhận trọng trách mua, cấp thẻ BHYT cho cả 3 đối tượng này nên gặp không ít khó khăn. Số người được cấp thẻ lớn kéo theo một khối lượng công việc cũng rất lớn từ lập danh sách đến rà soát, nhập dữ liệu, in ấn, cấp phát, hiệu chỉnh… trong khi ngân sách và biên chế cán bộ cho công việc này không tăng thêm.
Bên cạnh đó, việc lập danh sách phải thực hiện chủ yếu ở vùng đặc biệt khó khăn, xa xôi hẻo lánh; người dân thiếu thông tin và cán bộ cũng thiếu thông tin chính xác về đối tượng bởi nhiều người không biết chữ, chưa thạo tiếng phổ thông, chưa có giấy căn cước, giấy khai sinh và hộ khẩu nên không kiểm soát hết các đối tượng cần mua, cấp thẻ. Nhiệm vụ lập danh sách chủ yếu do các trưởng thôn bản và 180 cán bộ văn hóa xã hội ở cấp xã đảm nhận mà đối tượng này luôn biến động, vì vậy việc cấp thẻ cũng luôn bị động. Thêm nữa, trong đó có không ít người chưa đọc thông viết thạo, cộng khối lượng công việc lớn, lại phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác đã dẫn đến tình trạng sai, sót đối tượng. Tại nhiều xã vùng 135, cán bộ văn hóa làm thống kê đã bỏ sót cả thôn, không đưa vào danh sách cấp thẻ.
Khắc phục những khó khăn trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, các ngành, đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện công tác cấp thẻ BHYT. Sở đã ban hành nhiều văn bản như: đề nghị BHXH tỉnh gia hạn thời gian sử dụng thẻ và đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo triển khai việc lập danh sách đối tượng đề nghị cấp thẻ năm 2007; hướng dẫn lập danh sách người nghèo, người dân cư trú tại xã đặc biệt khó khăn, cựu chiến binh chống Pháp, Mỹ; cử tổ chuyên viên đi kiểm tra, đôn đốc… Nhờ vậy, qua hai đợt cấp thẻ và thu hồi, sửa đổi bổ sung thẻ BHYT năm 2007, đã có 251.381 đối tượng được cấp thẻ.
Mặc dù đã hoàn thành việc cấp thẻ và nhiều đối tượng khó khăn đã tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí nhưng qua đó có thể thấy: số lượng thẻ sai, cần phải sửa lại còn lớn (11.521 thẻ, chiếm 4,6% số thẻ đã phát hành); có một bộ phận nhận thẻ muộn so với thời gian quy định của UBND tỉnh.
Nguyên nhân do việc cấp thẻ đòi hỏi độ chính xác cao về thông tin của người được cấp thẻ như họ tên, năm sinh, cư trú… nhưng trên thực tế, danh sách cung cấp từ cơ sở không đáp ứng được, nhất là tại những xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc. Mặt khác, danh sách ban đầu được lập từ thôn bản, xã phường, phần lớn được thực hiện theo phương pháp thủ công, chữ viết không rõ ràng, họ tên đồng bào dân tộc khó phát âm, khó viết… dẫn đến có những sai sót. Phần lớn số thẻ chậm đến tay người dân thuộc số thẻ phát hành đợt III (sau ngày 30/7/2007), là do các huyện, thị khi lập danh sách đợt I và II đã bỏ sót, đề nghị cấp bổ sung. Sau khi phát đến tay người dân số thẻ đợt I và II thì số thẻ sai cần chuyển ngược lại bảo hiểm xã hội để sửa chữa cũng dẫn đến việc cấp thẻ chậm.
Bên cạnh đó, công tác lập danh sách bổ sung, đề nghị sửa chữa thẻ từ tuyến thôn bản, xã phường, huyện thị ở vùng 135 rất chậm, gửi nhỏ lẻ, không theo mẫu hướng dẫn; việc soát xét sửa lỗi, in ấn số thẻ ở bảo hiểm thực hiện chậm và việc phát thẻ của trưởng thôn đến người dân cũng chậm, thậm chí nhiều trưởng thôn khi nhận thẻ mà không phát cho dân nên quyền lợi của họ không được đảm bảo.
Để công tác này đi vào nề nếp, bên cạnh việc tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách hỗ trợ đồng bào trong khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, tiếp tục yêu cầu và chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực rà soát để in, sửa, cấp bổ sung. Tránh tình trạng sai sót, khi nhận danh sách từ thôn bản gửi lên, xã, huyện phải có trách nhiệm thẩm định để có số liệu chính xác và tăng cường khâu chỉ đạo, giám sát, đôn đốc.
Và để việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng trên có hiệu quả thì cần phân cấp mạnh về UBND các huyện, thị xã, thành phố để chủ động thực hiện lập danh sách, thẩm định, mua, cấp thẻ cho đối tượng trên địa bàn mình quản lý và thông qua giao dịch trực tiếp với BHXH cùng cấp, công tác này sẽ đảm bảo về thời gian, tránh sai sót, nhầm lẫn, bỏ sót để đảm bảo quyền lợi cho mỗi người dân.
Minh Bảo