YênBái – YBĐT – Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền nông nghiệp nói chung, vấn đề cung ứng giống đảm bảo chất lượng, số lượng đang đặt ra cấp thiết.
Với diện tích trên 41.220 ha lúa hai vụ, mỗi năm Yên Bái cần trên 1.400 tấn lúa giống. Trong một vài năm gần đây, nhờ các chính sách hỗ trợ nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh lúa, đưa các giống lúa lai năng suất cao vào sản xuất mà cơ cấu các giống lúa lai đạt được 60% và 40% còn lại là các giống lúa thuần chất lượng cao. Sản lượng lương thực tăng trên 10 nghìn tấn mỗi năm.
Hiện nay hầu hết các tỉnh phía Bắc chưa có khả năng tự sản xuất các giống lúa lai như: Nhị Ưu 838, TH 3-3 mà phải nhập từ Trung Quốc. Yên Bái cũng nằm trong thực trạng đó. Việc cung ứng giống lâu nay vẫn do Trung tâm Giống cây trồng tỉnh đảm nhiệm với khoảng 70% số lượng, 30% còn lại do các đơn vị khác đảm nhiệm như, Công ty Vật tư nông nghiệp VINASHIN, Công ty cổ phần Lương thực Yên Bái và các dịch vụ kinh doanh giống cây trồng.
Các chính sách trợ hỗ trợ giống cho nông dân trong sản xuất được tỉnh thực hiện thông qua Trung tâm Giống cây trồng tỉnh, do vậy, hàng năm phần lớn nông dân đều đăng ký mua giống tại các trung tâm giống huyện, thị xã, thành phố.
Ông Nguyễn Đại Hải – Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng cho biết: “Toàn bộ giống lúa lai đều phải nhập từ Trung Quốc, trước khi cung ứng cho nông dân đều được kiểm tra chất lượng theo Pháp lệnh Giống cây trồng, trong nhiều năm nay chưa xảy ra các vấn đề liên quan đến chất lượng đối với các loại giống nhập từ Trung Quốc. Đối với việc sản xuất và cung ứng các giống lúa thuần, Trung tâm bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của nông dân.
Hiện nay, có hai trung tâm trực thuộc đơn vị là Trung tâm Giống cây trồng Đông Cuông (Văn Yên) và Trung tâm Giống cây trồng Nghĩa Văn (Văn Chấn) có thể sản xuất và cung ứng đủ các loại giống lúa thuần chất lượng tốt”. Tuy nhiên, vẫn còn 30% số lượng giống hàng năm do các đại lý cung ứng, hoạt động của các đại lý kinh doanh giống cây trồng hiện nay lại không được quản lý chặt chẽ.
Năm 2004, Pháp lệnh Giống cây trồng chính thức có hiệu lực, cho phép mọi người dân có đủ các điều kiện kinh doanh giống cây trồng đều được tham gia vào hoạt động này. Yên Bái hiện có 130 điểm cung ứng giống, đa số đều làm đại lý cho các trung tâm giống cấp huyện. Tuy nhiên, việc quản lý các điểm kinh doanh này còn lỏng lẻo dẫn đến ở một số đại lý, chất lượng cung ứng giống cho nông dân không bảo đảm để xảy ra thiệt hại cho nông dân.
Điển hình như vụ mùa năm 2007, nhiều đại lý ở Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên, làm đại lý bán giống TH 3-3 cho một công ty tại Hải Phòng, trong khi không biết giống lúa lai này mới chỉ đang trong thời gian thử nghiệm, giống không có bất kỳ một giấy tờ liên quan đến xuất xứ cũng như kiểm định chất lượng. Hậu quả là lúa không trổ bông, nhiều nông dân mất trắng. Phản ánh trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ thời gian gần đây cũng đề cập đến vấn đề cung ứng và bảo đảm chất lượng giống.
Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004 đã quy định rõ: Các hộ kinh doanh giống cây trồng phải có giấy phép kinh doanh; tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, nhãn mác… |
Theo kết quả thanh tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2009 , kiểm tra 21 hộ kinh doanh giống cây trồng thì hầu hết đều vi phạm, trong đó 14/21 hộ không có giấy chứng nhận kinh doanh; 6/21 hộ kinh doanh vi phạm quy định về nhãn mác; 12/21 hộ không có bản sao công bố tiêu chuẩn chất lượng giống; 10/21 hộ không có giấy kiểm dịch thực vật. Việc xử lý vi phạm mới chỉ dừng lại ở lập biên bản nhắc nhở, tịch thu được 90,5 kg thóc giống. Bên cạnh đó, việc quản lý các hộ buôn bán giống không đăng ký kinh doanh tại các chợ gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Lương- Phó chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: “Do thói quen của một bộ phận nông dân vùng Đông hồ vẫn sản xuất bằng các loại giống cũ mà các đại lý không có, do vậy thường mua trôi nổi trên địa bàn, chất lượng giống không bảo đảm. Huyện đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra xử lý, tuy nhiên, hiệu quả chưa cao”.
Giống cây trồng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cũng như năng suất. Song, nhiều hộ kinh doanh hiện nay không đủ điều kiện vẫn kinh doanh mặt hàng này. Để tránh những rủi ro cho nông dân, ngành nông nghiệp và UBND các huyện, thị, thành phố cần nâng cao trách nhiệm trong quản lý nhà nước đối với ngành hàng này.
Anh Dũng