YênBái – YBĐT – Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động tới người lao động. Với quan điểm dự phòng tích cực và chủ động thì bệnh nghề nghiệp có thể phòng tránh được, phòng chống bệnh nghề nghiệp là một trong những mục tiêu cần đạt được trong chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và của người lao động nói riêng.
Những năm gần đây, công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe người lao động đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên việc quản lý và giám sát bệnh nghề nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hàng năm, ở Yên Bái, số người được khám và phát hiện không tới 1% tổng số công nhân tiếp xúc với nguy cơ, do đó việc giám sát và quản lý bệnh nghề nghiệp chưa đạt được mục tiêu, người lao động mắc bệnh nghề nghiệp chưa được phát hiện sớm, không được điều trị kịp thời, chế độ ưu đãi chưa được hưởng theo quy định của pháp luật.
Hiện đã có 25 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội đền bù, nhưng ở Yên Bái mới chỉ có 1 bệnh được giám sát và quản lý là bệnh bụi phổi silíc, các bệnh khác như viêm phế quản mãn tính, bệnh điếc, bệnh viêm gan B, bệnh lao… vẫn chưa được phát hiện và quản lý. Muốn giám định được bệnh nghề nghiệp để người mắc bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội chi trả, yêu cầu các chủ doanh nghiệp hàng năm phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, thực hiện đo kiểm tra môi trường lao động để xác định yếu tố nguy cơ gây bệnh trong thời gian người lao động làm việc có tiếp xúc trực tiếp.
Ngoài ra, việc đo kiểm tra môi trường lao động, xác định các yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp để có biện pháp cải thiện môi trường là quan trọng và hữu hiệu nhất, nhưng thực tế việc này không được các nhà quản lý coi trọng.
Hàng năm, số doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Yên Bái thực hiện tổ chức giám sát môi trường lao động, tổ chức đo đạc các yếu tố độc hại phát sinh trong quá trình sản xuất như bụi, ồn, hơi khí độc, vi sinh vật… chiếm tỷ lệ quá thấp, cả tỉnh có trên 600 doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ nhưng số thực hiện hàng năm chưa đạt tới 10% tổng số doanh nghiệp. Năm 2007, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh chỉ đo được 293 mẫu (bụi, ồn, hơi, khí độc, ánh sáng, vi khí hậu), trong đó có tới 108 mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép, chiếm 36,8%. Như vậy có thể nói, môi trường lao động có rất nhiều yếu tố độc hại cần có biện pháp cải thiện và khắc phục.
Đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, khai thác và chế biến tinh bột đá, sản xuất xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng… mỗi ca làm việc có tới hàng nghìn lao động thường xuyên phải làm việc và tiếp xúc với bụi, ồn… nhưng mức độ ảnh hưởng sức khỏe đến người lao động thế nào thì người quản lý cũng không biết được vì không giám sát được môi trường lao động thì không thể biết được các yếu tố nguy cơ gây bệnh cho người lao động, đồng thời cũng không thể đưa ra các biện pháp can thiệp để cải thiện môi trường.
Và rồi người lao động phải gánh chịu hậu quả mắc bệnh lâu dài, có thể thiệt hại cả tính mạng. Vì vậy, việc tập trung đầu tư để có công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến là trách nhiệm của người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp. Đồng thời phải thực hiện đầy đủ các quy định về giám sát môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Mọi người lao động phải có trách nhiệm tham gia để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và đóng góp trong phong trào nâng cao sức khỏe nơi làm việc, phòng chống bệnh tật.
Ngành y tế với trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người lao động mong muốn các nhà quản lý, các chủ doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định về phòng chống bệnh nghề nghiệp tại đơn vị. Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cần phải lập kế hoạch phòng chống bệnh nghề nghiệp bao gồm: tuyên truyền, tập huấn phòng bệnh nghề nghiệp cho người lao động, tổ chức đo kiểm tra môi trường lao động ít nhất một năm một lần để có biện pháp can thiệp, để khống chế hoặc loại trừ nguyên nhân gây bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó cần khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động ít nhất một năm một lần để phát hiện bệnh và quản lý được bệnh nghề nghiệp.
Bác sỹ Nguyễn Thúy Lan
(Trung tâm Y tế Dự phòng
tỉnh Yên Bái)