YênBái – YBĐT – Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCCR) rừng luôn được các cấp uỷ quan tâm, song năm nào Yên Bái cũng xảy ra cháy rừng. Trong những nguyên nhân gây cháy rừng thì có tới trên 80% là do đốt nương, làm rẫy.
Chỉ tính riêng trong năm 2006 và 4 tháng đầu năm 2007 đã xảy ra 34 vụ cháy rừng gây thiệt hại 561 ha. Đặc biệt, 18 vụ cháy rừng xảy ra từ đầu năm 2007 đến nay đã gây thiệt hại 415 ha, chủ yếu ở hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Là tỉnh miền núi, nhiều dân tộc anh em sinh sống, đặc biệt là đồng bào dân tộc sống trên các triền đồi, núi có tập quán phát nương làm rẫy. Để giải quyết lương thực cho người và gia súc nên tình trạng phát nương làm rẫy tràn lan rất khó kiểm soát. Huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải hầu như hộ người Mông nào cũng làm hàng chục mảnh nương rẫy, nhà ít 1-2 ha, nhà nhiều 5-6 ha. Không chỉ có vậy mà diện tích làm nương rẫy không cố định ở một thửa đất nào mà cứ làm tràn lan ra nhiều khu vực. Tuy nhiên, cũng phải nhắc đến tình trạng này ở các huyện thị vùng thấp cũng không kém phần nhức nhối.
Năm 2006, huyện Trấn Yên đã có nhiều cố gắng trong công tác PCCCR song vẫn xảy ra 4 vụ cháy rừng tại xã Kiên Thành, Lương Thịnh làm thiệt hại 6,55 ha rừng tái sinh do Lâm trường Việt Hưng quản lý. Nguyên nhân cũng là người dân đốt nương làm cháy lan ra do không nắm chắc quy trình đốt nương. Khi nói về công tác PCCCR, anh Nguyễn Đức Việt – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Văn Yên bức xúc nói: “Tình trạng xâm phạm rừng làm nương rẫy của bà con nhân dân trong huyện Văn Yên rất nhức nhối và đầy thách thức với các cấp chính quyền và lực lượng kiểm lâm.
Trước đây việc phát nương làm rẫy chỉ diễn ra ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thì nay xảy ra ở hầu hết các xã có rừng. Năm 2006 lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 50 vụ vi phạm lâm luật thì đó có 15 vụ phá rừng làm nương rẫy thuộc thẩm quyền xử lý của Hạt kiểm lâm huyện, còn số vụ thuộc thẩm quyền xử lý của Kiểm lâm viên và xã lên tới 100 vụ. Diện tích xâm lấn, phát rừng làm nương đều nằm trong diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng đặc dụng với diện tích hàng trăm ha”.
Để hạn chế cháy rừng đến mức thấp nhất, cần phải làm tốt công tác quy hoạch làm nương rẫy và có quy hoạch. Hàng năm, các cấp chính quyền, lực lượng Kiểm lâm vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không phát rừng làm nương rẫy, hướng dẫn kỹ thuật đốt nương, tổ chức ký cam kết PCCCR tới từng hộ dân vùng cao; xây dựng bảng tin, biển báo cháy rừng, in ấn, cấp phát tờ rơi, thành lập tổ đội chữa cháy rừng…
Tất cả những việc làm đó dù có làm tốt đến đâu và ý thức người dân có được nâng lên mà chúng ta không có quy hoạch phát triển nương rẫy cụ thể, chi tiết tới từng hộ, thôn bản thì cũng bằng không. Cán bộ xã, Kiểm lâm địa bàn phải nắm được các hộ ở thôn, bản mình phụ trách làm nương ở đâu. Tất cả các mảnh nương phải có đường băng cản lửa, đảm bảo an toàn mỗi khi đốt và nghiêm cấm đốt vào những ngày nắng nóng, gió Lào thổi. Hạn định diện tích nương ở một mức nào đó, nghiêm cấm và kiên quyết không cho phát thêm diện tích nương mới. Không thể vì lý do nương cũ đất đã bạc mầu chỉ gieo trồng một, hai năm rồi lại bỏ cho cỏ mọc đi phát rừng làm nương mới một cách tràn lan như hiện nay.
Phổ biến cho người dân hiểu rõ việc muốn có năng suất cao thì phải đầu tư và có biện pháp kỹ thuật trồng cây xen canh tạo độ mầu cho đất, tránh trôi bạc mầu. Đưa giống cây con phù hợp với điều kiện đất đai để trồng tạo hiệu quả kinh tế cao…
Có quy hoạch được cụ thể và kiểm soát tốt việc làm nương rẫy mới hạn chế được cháy rừng. Thực tế đã cho thấy nơi nào diện tích rừng ít bị xâm hại, chính quyền, kiểm lâm kiểm soát được làm nương rẫy thì nơi đó ít xảy ra cháy rừng.
Thanh Phúc