YênBái – YBĐT – Trong những năm qua, Yên Bái đã có nhiều nỗ lực trong phát triển vốn rừng, bảo vệ rừng, nhưng trong thời gian gần đây tình trạng chặt phá, khai thác, buôn bán lâm sản, tình trạng xâm chiếm đất rừng diễn ra gay gắt ở nhiều địa phương trong tỉnh. Lâm tặc tấn công kiểm lâm; doanh nghiệp “phát rừng tự nhiên” để trồng rừng mới; người dân xâm chiếm đất rừng và rừng với lâm trường, công ty lâm nghiệp… tạo sự bất bình trong nhân dân.
Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2008 các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 366 vụ vi phạm quản lý bảo vệ rừng, trong đó có 2 vụ khai thác, 255 vụ vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, 105 vụ phát rừng làm nương rẫy… thu giữ 165 m3 gỗ xẻ, 175 m3 gỗ tròn các loại. Thị trường tiêu thụ gỗ rừng trồng có sự chuyển biến tốt dẫn đến việc đầu tư tràn lan các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn, làm mất ổn định tài nguyên rừng.
Có thể thấy rất rõ hai vấn đề cần được giải quyết và siết chặt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là tình trạng khai thác, buôn bán lâm sản, phát rừng làm nương rẫy và tình trạng xâm chiếm đất rừng giữa các tổ chức với cá nhân, cùng với việc bung ra quá nhiều cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, vượt quá khả năng của vùng nguyên liệu. Tình trạng khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản, phát rừng làm nương rẫy đã xảy ra từ nhiều năm nay. Để nghiêm cấm triệt để là rất khó, nhưng làm gì để hạn chế tới mức thấp nhất thì không phải là quá khó nếu có sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm minh của các tổ chức, cá nhân.
Có một điều dễ nhận thấy là trong những năm qua, số vụ phát hiện xử lý khai thác gỗ rất ít, số vụ bắt giữ vận chuyển buôn bán quá nhiều, tại sao lại như vậy? Giải pháp giữ rừng tại gốc đã làm tốt chưa, nếu tốt rồi thì gỗ ở đâu mà vận chuyển, buôn bán? Khi bắt được gỗ lậu trên đường tiêu thụ thì các xã, các huyện thường đổ vấy cho nhau về nguồn gốc số gỗ khai thác trái phép…
Ngoài các vấn đề nêu trên, trong thời gian hơn một năm trở lại đây, nhất là từ khi thực hiện kiểm kê, quy hoạch lại 3 loại rừng theo quy định của Nhà nước và chuyển đổi các lâm trường sang công ty lâm nghiệp, tình trạng xâm chiếm đất rừng càng diễn ra phổ biến. Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên…, huyện nào cũng xảy ra hàng chục vụ việc xâm chiếm, tranh giành rừng, đất rừng gây mất trật tự an ninh, khiếu kiện kéo dài. Việc quy hoạch, chuyển đổi những diện tích rừng nghèo kiệt, rừng ít khả năng phòng hộ sang trồng rừng sản xuất là rất đúng, phù hợp với thực tế hiện nay.
Tuy nhiên, do năm 2008 là năm đầu tiên thực hiện bảo vệ rừng theo kết quả quy hoạch 3 loại rừng và chuyển đổi chủ đầu tư Dự án 661 từ các lâm trường sang ban quản lý Dự án 661 cấp huyện, nên việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác lập hồ sơ thiết kế và hợp đồng giao khoán đến hộ. Trên cơ sở rà soát, quy hoạch 3 loại rừng; việc thực hiện Đề án “Giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2007-2010” còn chậm và chưa đồng bộ. Đối tượng cho thuê, diện tích rừng được thuê có nơi làm chưa đúng đối tượng, diện tích. Người dân chưa hiểu rõ mục đích của việc quy hoạch lại 3 loại rừng, dẫn đến tình trạng xâm chiếm, xí phần tràn lan gây hậu quả khôn lường. Đã có vụ việc tranh chấp đất rừng, rừng giữa người dân với doanh nghiệp có số người tham gia lên đến hàng trăm người.
Đã có xã chỉ có vài trăm ha rừng, nhưng có tới hàng chục cơ sở chế biến, thiếu nguyên liệu sản xuất, các xưởng chế biến tăng giá thu mua, tranh giành nguyên liệu. Người dân thấy vậy, khai thác ồ ạt không theo quy trình, quy phạm, chính quyền, kiểm lâm cũng rất khó quản lý. Tình trạng chặt trộm nguyên liệu của lâm trường của tư nhân diễn ra phổ biến, gây mất trật tư an ninh vùng nông thôn. Đã đến lúc cần có cuộc tổng kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn, đơn vị nào có giấy phép và bảo đảm các quy định mới được hoạt động và ngược lại.
Trước thực trạng này, ngày 22/10/2008, UBND tỉnh đã có Công điện số 10/CĐ/UBND gửi các huyện, thị phía Tây về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàng trữ mua bán lâm sản trái phép. Ngành kiểm lâm cũng đã có công văn gửi kiểm lâm các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác quản lý lâm sản trên địa bàn. Qua đó cho thấy sự quyết tâm siết chặt của tỉnh, ngành kiểm lâm đối với công tác quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, các địa phương cần phải giải quyết tốt các vấn đề tồn tại nêu trên, thì công tác quản lý bảo vệ rừng mới thực sự hiệu quả.
Hiền Lương