YênBái – YBĐT – Với số doanh nghiệp và số lượng nhân lực cũng như công việc của lực lượng thanh tra hiện nay, thì cứ phải sau 15 năm thanh tra viên mới quay lại doanh nghiệp một lần…
Năm 2007, cháu Cao Duy Thu-con trai anh Cao Tiến Xuân ở thôn 14 xã Báo Đáp (Trấn Yên) đi làm việc cho Doanh nghiệp Đăng Khoa chuyên chế biến gỗ rừng trồng có trụ sở đóng tại địa bàn xã. Vào tháng 2/2008, khi đang vận hành máy cưa gỗ, do bất cẩn cháu Thu đã bị máy cưa cắt cụt mất bàn tay phải.
Là lao động phổ thông lại thiếu kiến thức về Luật Lao động nên cháu Thu và gia đình đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Biết sự việc, lãnh đạo xã Báo Đáp đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên và hướng dẫn gia đình anh Xuân làm các thủ tục cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Ngay sau khi có báo cáo của cơ sở, Ban thanh tra của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương trực tiếp xuống làm việc với Doanh nghiệp chế biến và sản xuất gỗ rừng trồng Đăng Khoa để làm rõ vấn đề. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản về hành vi vi phạm Luật Lao động, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân xảy ra tại nạn đối với cháu Cao Duy Thu, hoàn thiện hồ sơ tiếp tục xử lý theo Luật Lao động.
Hiện nay, xã Báo Đáp có 5 doanh nghiệp và hợp tác xã đóng trên địa bàn. Các doanh nghiệp này đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần đáng kể làm thay đổi diện mạo nơi đây.
Tuy nhiên do các doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực như: sản xuất chế biến gỗ, khai thác cát sỏi, chế biến chè và quế, nên các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo, lao động ngắn hạn thời vụ. Đây thực sự là một trong những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn trong lao động.
Ý thức được vấn đề này, Đảng uỷ và chính quyền xã Báo Đáp cũng đã thường xuyên tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện vệ sinh an toàn lao động.
Tính từ đầu năm đến nay tổng số vụ tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, tai nạn giao thông được coi là tai nạn lao động xảy ra là 23 vụ. Trong đó: 9 vụ tai nạn lao động, làm chết 1 người, bị thương nặng 8 người; 14 vụ tai nạn rủi do, tai nạn giao thông được coi là tai nạn lao động, làm chết 3 người, bị thương nặng 11 người. Tổng chi phí thiệt hại do tai nạn lao động ước tính gần 150 triệu đồng. Tai nạn lao động xảy ra nhiều nhất ở các ngành khai thác đá và khoáng sản, sau đó tới ngành xây dựng, chế biến thực phẩm nông, lâm sản. |
Nguyên nhân chủ yếu của các tai nạn lao động là do người sử dụng lao động vi phạm các quy định về an toàn lao động, người lao động không có ý thức chấp hành đúng các quy định về an toàn lao động. Ngoài ra các yếu tố như khí hậu, thiên tai cũng ảnh hưởng đến an toàn lao động.
Một nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động nữa phải kể đến đó là đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra còn quá mỏng. Hiện nay Phòng Thanh tra của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội mới có 5 biên chế. Ngoài việc thanh tra an toàn lao động, lực lượng này còn phải kiêm nhiệm thanh tra việc thực hiện chính sách đối với người có công, trẻ em và gần đây là triển khai phòng chống tham nhũng, áp dụng cơ chế “một cửa” trong tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại.
Trong khi đó, hiện toàn tỉnh có hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với số lượng lao động là rất lớn. Ông Lê Văn Lương – Chánh thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Với số doanh nghiệp và số lượng nhân lực cũng như công việc của lực lượng thanh tra hiện nay, thì cứ phải sau 15 năm thanh tra viên mới quay lại doanh nghiệp một lần”.
Với nỗ lực nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn lao động, đồng thời ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn, trong lao động, Phòng Thanh tra thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác này. Từ đầu năm đến nay, Phòng đã tiến hành thanh tra 23 đơn vị trong đó thanh tra chuyên ngành 15 đơn vị, doanh nghiệp, nhân Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ. Thanh tra đột xuất việc thực hiện Luật Lao động tại doanh nghiệp Đăng Khoa xã Báo Đáp (Trấn Yên), lập biên bản về hành vi vi phạm Luật Lao động; phát phiếu tự kiểm tra cho 300 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, xử lý 165 phiếu thu về và đưa ra trên 1.100 sai phạm, yêu cầu các doanh nghiệp cần khắc phục.
Đồng thời tổ chức lớp huấn luyện công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động theo Dự án chương trình quốc gia, gồm: 3 lớp tập huấn cán bộ xã, phường, thị trấn tại huyện Lục Yên, Yên Bình và thành phố Yên Bái; mở 7 lớp cho người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác an toàn của doanh nghiệp tại 7 huyện, thị xã trong tỉnh và 4 doanh nghiệp đóng trên địa bàn với hơn 1.650 người tham gia.
Trong những tháng còn lại của năm 2008, Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục tăng cường thanh tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động ở tất cả các cơ sở thuộc các thành phần kinh tế, trong đó, lưu ý đến các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các lĩnh vực: xây dựng, khai thác khoáng sản và khai thác đá, sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lao động; tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động nhằm nâng cao trách nhiệm đối với các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động để mọi người đều có ý thức cảnh giác và phòng ngừa tai nạn lao động, từng bước đưa Luật Lao động vào cuộc sống.
P.V