YênBái – YBĐT – Là tỉnh miền núi với 70% diện tích là đất lâm nghiệp, gần 80% dân số sinh sống gắn liền với rừng và nghề rừng, trong những năm qua, Yên Bái đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong đó có Nghị quyết 06 – NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về “Xây dựng và phát triển kinh tế đồi rừng”.
Để tổ chức sản xuất, quản lý, bảo vệ phát triển rừng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, công tác quy hoạch được tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tỉnh đã tiến hành rà soát, quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp và quy hoạch phát triển 3 loại rừng theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thông qua rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, đã chuyển trên 50.000 ha rừng và đất lâm nghiệp trước đây quy hoạch phát triển rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, đưa tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp lên 479.730 ha, trong đó có 36.508 ha rừng đặc dụng, tập trung tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu ( Văn Yên) và Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Chế Tạo (Mù Cang Chải); 189.515 ha rừng phòng hộ, tập trung chủ yếu ở 3 huyện vùng cao là: Trạm Tấu, Mù Cang Chải và Văn Chấn.
Từ làm tốt công tác quy hoạch, công tác quản lý bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng có những tiến bộ. Sau 5 năm, toàn tỉnh đã tiến hành khoanh nuôi tái sinh được 32.000 ha rừng, đưa tổng số diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh trong toàn tỉnh lên 93.500 ha, trong đó có 47.382 ha đã trở thành rừng tự nhiên phòng hộ và rừng tự nhiên sản xuất.
Công tác trồng rừng tiếp tục được đẩy mạnh, giai đoạn 2003 – 2005, toàn tỉnh trồng mới được 35.042 ha rừng các loại; giai đoạn 2006 – 2007, trồng được 28.361 ha rừng các loại, qua đó đưa tổng diện tích rừng toàn tỉnh hết năm 2007 đạt 387.888,4 ha, trong đó có 228.405 ha rừng tự nhiên và 159.483 ha rừng trồng, nâng tỷ lệ tàn che phủ rừng đạt 56,3%, tăng 16,3% so với năm 2002. Đặc biệt, do tăng cường quản lý chất lượng giống và đầu tư sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng công nghệ mô hom, như: keo lai, bạch đàn mô… do đó năng suất, chất lượng rừng từng bước được nâng lên, tăng trưởng bình quân đạt 15 – 20 m3/ha/năm, tăng 1,5 – 2 lần so với trước đây.
Diện tích rừng tăng, sản phẩm từ rừng cũng được nâng lên. Hàng năm sản lượng khai thác bình quân từ rừng đạt từ 130.000 đến 150.000 m3 gỗ các loại; 100.000 tấn tre, vầu nứa; 3.000 tấn vỏ quế; 10.000 tấn tre măng Bát Độ… Việc khai thác và chế biến lâm sản đã được ưu tiên phát triển theo hướng ngày một hợp lý nhằm tận dụng và tiết kiệm tài nguyên rừng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy chế biến gỗ, 16 công ty TNHH, 12 công ty cổ phần, 17 doanh nghiệp tư nhân và gần 400 hộ gia đình được cấp đăng ký kinh doanh chế biến gỗ rừng trồng với nhiều sản phẩm chế biến khá phong phú như: giấy đế, đũa gỗ, bao bì… Từ khuyến khích phát triển rừng, đến nay Yên Bái có gần 4 vạn hộ nhận đất lâm nghiệp để bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng và chăm sóc rừng, 248 trang trại đạt tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân mỗi trang trại quản lý từ 5 – 7 ha rừng, trong đó có trang trại có quy mô diện tích từ 30 – 50 ha, với giá trị tài sản hàng tỷ đồng.
Dù đã đạt được nhiều kết quả trong công tác xây dựng và phát triển kinh tế đồi rừng, nhưng do nhiều nguyên nhân mà thời gian qua tình trạng khai thác lâm sản trái phép, phá rừng, đốt nương làm rẫy gây cháy rừng vẫn diễn ra. Tình trạng xen canh đất nương rẫy và đất trồng rừng vẫn phổ biến. Tập đoàn cây lâm nghiệp còn nghèo nàn, chưa chủ động sản xuất được cây giống tốt nên việc trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế chất lượng còn thấp, nhất là khu vực phía tây của tỉnh. Người nhận khoán chưa thực sự quan tâm đến chăm sóc và trồng rừng, tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp để luân canh sản xuất lúa nương rẫy còn phổ biến. Việc chuyển đổi các lâm trường quốc doanh thành công ty lâm nghiệp và bàn giao đất thu hồi còn nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được giải quyết. Công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn rất chậm.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan do địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, độ dốc lớn, còn do là tỉnh nghèo nên việc đầu tư ngân sách hỗ trợ cho trồng rừng còn hạn chế dẫn đến đời sống người làm rừng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do một số cấp, ngành, cán bộ đảng viên và bộ phân lớn người dân chưa nhận thức sâu sắc đầy đủ về trách nhiệm phát triển kinh tế rừng; vai trò, vị trí của rừng đối với đời sống, kinh tế, xã hội; cơ chế chính sách còn nhiều hạn chế; công tác quy hoạch, quản lý đất đai còn nhiều bất cập, dẫn đến chồng chéo trong sử dụng đất…
Để lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường sinh thái… cần đổi mới tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp; đẩy mạnh các giải pháp quy hoạch, kế hoạch và giám sát; tăng cường giải pháp về công nghệ, tăng nguồn lực đầu tư, hoàn thiện chính sách về xây dựng và phát triển rừng là rất cần thiết.
Trong đó, cần tiếp tục đổi mới tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp theo hướng sản xuất đa dạng, gắn với công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản để làm hạt nhân cho việc phát triển rừng. Cần chú trọng phát triển sản xuất lâm nghiệp ở hộ gia đình, trang trại, cộng đồng dân cư thôn và hợp tác xã. Đối với vùng cao, cần hỗ trợ tài chính để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông lâm kết hợp nhằm hạn chế thấp nhất canh tác nương rẫy. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch chi tiết đất lâm nghiệp cấp xã, huyện, tỉnh, xác định các lâm phận ổn định tiến tới cắm mốc ranh giới thực địa.
Cần lồng ghép các dự án xóa đói, giảm nghèo, phát triển nông nghiệp nông thôn… với các dự án lâm nghiệp nhằm tăng hiệu quả đầu tư. Đồng thời, quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản gắn với vùng sản xuất tập trung. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ lâm nghiệp nhằm tăng giá trị chất lượng lâm nghiệp. Tăng cường khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo hướng hưởng lợi trực tiếp từ rừng và các thu nhập khác đem lại để thay thế dần cơ chế khoán bằng tiền từ ngân sách Nhà nước hiện nay. Phân cấp quản lý nhà nước về rừng cho chính quyền cấp huyện xã, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của chủ rừng, chính quyền các cấp, các cơ quan thừa hành pháp luật và lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng và thôn, xã nếu để mất rừng, phá rừng.
Bên cạnh việc tăng cường phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân cần xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng bảo đảm tính nghiêm minh và răn đe của pháp luật…
Nguyễn Đình