YBĐT – Qua tiến hành thanh tra tổng số 215 lượt cơ sở điểm giết mổ nhỏ lẻ của cơ quan chức năng thì chỉ có 24 lượt đạt tiêu chuẩn; 151 lượt đủ điều kiện hoạt động song vẫn cần phải khắc phục vấn đề vệ sinh trước và sau khi giết mổ về các tiêu chuẩn: nơi nuôi nhốt động vật chờ giết mổ, hệ thống xử lý chất thải,
khu vực giết mổ không riêng biệt, không đăng ký kinh doanh…; đặc biệt có hơn 40 lượt cơ sở không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y do nằm trong khu dân cư, khu vực giết mổ sử dụng chung không có khu riêng biệt, nước thải không đảm bảo… Khi nhiều dịch liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch bệnh cúm gia cầm đang có diễn biến phức tạp thì việc phòng chống dịch bệnh thông qua quản lý chăn nuôi, tiêu thụ và giết mổ gia súc, gia cầm là hết sức cần thiết. Do đó, việc xây dựng cơ sở giết mổ tập trung cần được ngành chức năng và chính quyền địa phương quan tâm.
Theo số liệu thống kê năm 2013, qua kiểm tra tại 69 chợ, 32 điểm với tổng số 895 bàn quầy, cơ quan chức năng đã kiểm tra tổng số 329.403 con gia súc, gia cầm, được giết mổ. Như vậy, theo số liệu kiểm soát được, tính trung bình, mỗi ngày có hàng vạn con gia súc, gia cầm được giết mổ để làm thực phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân từ thành thị tới nông thôn, từ vùng thấp tới vùng cao.
Tuy nhiên, đây là số được kiểm soát, còn lại một số lượng lớn gia súc, gia cầm lớn “ ngoài tầm tay” của cơ quan chức năng đang được giết mổ ở đâu khi mà chúng ta chưa có cơ sở nào giết mổ tập trung? Thực tế cho thấy, phần lớn gia súc được giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ nằm rải rác trong các khu dân cư rồi được vận chuyển vào các chợ; còn gia cầm thì ngay tại chợ. Chất thải, nước thải từ các cơ sở giết mổ mặc nhiên chảy tự do, gây ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện cho các dịch bệnh phát sinh.
Từ thực tế đặt ra, việc tiến hành xây dựng các điểm giết mổ tập trung là việc cần thiết, đặc biệt đối với những địa phương tiêu thụ số lượng lớn gia súc, gia cầm mỗi ngày như thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ. Bởi, không có cơ sở giết mổ tập trung cũng đồng nghĩa với việc lực lượng cán bộ thú y đang phải căng mình lên thực thi nhiệm vụ mà hiệu quả đạt được lại chưa cao khi khâu kiểm dịch chỉ ở “phần ngọn”.
Trong khi đó, ngoài kiểm soát được dịch bệnh, những cơ sở giết mổ hiện đại không những cho ra thị trường những sản phẩm an toàn, sạch bệnh, nâng cao chất lượng thực phẩm mà còn đóng góp vào ngân sách Nhà nước từ nguồn phí giết mổ mà lâu nay vẫn rất khó thu.
Để có thể hình thành cơ sở giết mổ tập trung, tỉnh và các địa phương cần có quy định về việc giết mổ gia súc, gia cầm trong kinh doanh rõ ràng, đồng thời có chính sách đầu tư, có cơ chế ưu đãi hỗ trợ về vốn, đất đai, thuế… để khuyến khích đối với những thành phần, nhất là doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Trong đó, điểm giết mổ tập trung phải được tính toán kỹ lưỡng, vừa có thể thu hút được tiểu thương cũng như người dân đưa gia súc, gia cầm đến vừa đảm bảo các yếu tố về môi trường. Một yếu tố quan trọng tác động đến việc kiểm soát dịch bệnh cũng như bảo vệ quyền lợi, sức khỏe là người tiêu dùng cần có thói quen mua thực phẩm được kiểm dịch rõ ràng.
Hồng Khanh