YênBái – YBĐT – Hiệu quả kinh tế từ trồng và phát triển nghề rừng ngày càng được khẳng định rõ, nhưng có một thực tế chưa được phát huy. Nguyên nhân chính lại do yếu tố giống cây lâm nghiệp chưa được chuẩn, giống cũ không phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Thực hiện chủ trương phủ xanh đất trống, trồng rừng phát triển kinh tế, ngay từ những năm 1990, nhân dân trong tỉnh đã tích cực nhận đất trồng rừng, bình quân mỗi năm trồng mới từ 9-10 ngàn ha rừng kinh tế bằng các loại cây nguyên liệu giấy như: bồ đề, keo lá tràm, keo tai tượng, bạch đàn… Chỉ tính riêng năm 2007, nhân dân trồng mới 10 ngàn ha rừng kinh tế, không chỉ các huyện vùng thấp mà cả các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Theo thống kê của Chi cục Phát triển lâm nghiệp, hiện nay mỗi năm diện tích rừng kinh tế đến kỳ khai thác từ 7-8 ngàn ha. Năm 2007, toàn tỉnh khai thác 7 ngàn ha rừng kinh tế, cho thu trên 210 ngàn m3 gỗ, bình quân mỗi ha cho thu 30 m3.
Qua đó cho thấy, sản lượng gỗ cho thu hoạch rất thấp, đồng nghĩa với giá trị kinh tế không cao. Với 30 m3 gỗ thu được bán với giá thị trường thì chưa đầy 20 triệu đồng. Số tiền này không nhỏ với một hộ gia đình nông thôn, nhưng chia cho một chu kỳ trồng rừng là 6 năm thì bình quân mỗi năm chỉ thu được 3 triệu đồng chưa trừ tiền giống, phân bón, công lao động và các chi phí khác. Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo Chi cục cho biết: Một trong những lý do thu nhập từ trồng rừng kinh tế chưa cao, là do thiếu các giống cây lâm nghiệp tiến bộ. Những năm trước, rừng được trồng chủ yếu bằng các giống cho năng suất thấp như keo lá tràm, keo tai tượng, bồ đề, bạch đàn thường. Diện tích rừng cho năng suất thấp lại trồng trên đất chu kỳ 2, 3 cùng với mức đầu tư thấp thì làm sao cho hiệu quả cao?
Một hai năm trở lại đây, tỉnh đã cung ứng các giống cây lâm nghiệp tiến bộ như bạch đàn mô, keo lai, keo giống nhập nội… là các giống có chu kỳ phát triển ngắn lại cho năng suất cao, nếu được trồng bài bản chăm sóc tốt có thể đạt 130-140m3 gỗ/ha. Người dân cũng biết đến điều này, nhưng giống tốt giá cao hơn giống thường, nguồn giống lại có hạn.
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có rất nhiều vườn ươm, cơ sở sản xuất giống, song chỉ có Trung tâm Giống cây trồng tỉnh sản xuất giống cây lâm nghiệp theo công nghệ nuôi cấy mô, mà sản lượng cũng chỉ đạt khoảng 1,6 triệu cây giống/năm, đáp ứng gần 15% nhu cầu giống trồng rừng toàn tỉnh. Phần lớn người dân, các nông lâm trường tự sản xuất giống và mua giống trên thị trường tự do, trong đó có rất nhiều giống không bảo đảm chất lượng. Không chỉ có vậy, bạch đàn mô, keo lai do Trung tâm Giống cây trồng cung ứng mặc dù rất tốt nhưng không phải ở đâu cũng trồng được. |
Một trong những giống cây lâm nghiệp trồng rừng kinh tế được đánh giá là phù hợp với phần lớn thổ nhưỡng, khí hậu Yên Bái và cho hiệu quả kinh tế cao là keo Úc. Đây là giống keo có chu kỳ sinh trưởng ngắn, 4-5 năm đã cho thu hoạch, năng suất có thể đạt 150m3/ha. Biết vậy, nhưng không phải ai cũng mua được. Ngành nông nghiệp, Chi cục Phát triển lâm nghiệp và các huyện, thị, nông lâm trường đều biết trồng keo giống nhập nội rất tốt nhưng chúng ta chưa chủ động được nguồn giống.
Từ những yếu tố trên và để tạo hiệu quả kinh tế cao trong trồng rừng kinh tế, Yên Bái nhất thiết phải xây dựng thêm những vườn giống chuẩn phục vụ nhu cầu giống cho phát triển lâm nghiệp. Việc xây dựng những vườn giống chuẩn bằng giống keo nhập nội không phải là quá khó. Trên thực tế đã có nhiều hộ dân đang trồng rừng bằng giống này, chỉ có điều là họ không biết kỹ thuật, vốn đầu tư xây dựng vườn giống chuẩn.
Thiết nghĩ, tỉnh, ngành nông nghiệp, đặc biệt là Chi cục Phát triển lâm nghiệp cần điều tra xem xét và hỗ trợ kinh phí cho các chủ rừng có đủ điều kiện xây dựng vườn giống chuẩn, phục vụ nhu cầu giống cho phát triển lâm nghiệp tỉnh nhà. Nếu làm được điều đó, hàng ngàn hộ dân trồng rừng kinh tế sẽ có điều kiện để mua giống tốt, phát triển kinh tế đồi rừng tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo tiến tới làm giầu.
Thanh Phúc