YênBái – YBĐT – Trước tình hình dịch cúm A/H1N1 trong nước diễn biến ngày càng phức tạp, UBND tỉnh Yên Bái đã có kế hoạch chi tiết về phòng, chống dịch. Các cấp, ngành liên quan và đông đảo nhân dân đang chủ động phòng chống dịch.
Thực hiện kế hoạch của tỉnh, khi chưa có dịch xảy ra, Sở Y tế đã tập trung củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm ở người và các đội phòng chống cơ động của ngành; tham mưu cho tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm ở người của tỉnh; ban hành kế hoạch phòng chống dịch. Đồng thời, ngành thiết lập đường dây nóng của Ban chỉ đạo thông báo cho hệ thống giám sát để cập nhật thông tin và dự báo tình hình dịch để tham mưu cho tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống.
Các đơn vị y tế trong ngành chủ động phòng, chống dịch. Ngành tổ chức các lớp tập huấn về công tác điều trị, giám sát, xử lý ổ dịch, truyền thông cho cán bộ y tế các tuyến; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát lại danh mục hoá chất, trang thiết bị, máy phun phục vụ phòng chống dịch; phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch kinh phí, dự trù thuốc, hoá chất, vật tư, trang bị bảo hộ để ứng phó kịp thời với đại dịch.
Các cơ quan như Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Yên Bái, Đài Phát thanh – Truyền hình có kế hoạch cụ thể đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về các khuyến cáo phòng chống dịch của Bộ Y tế.
Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực tuyên truyền, khuyến cáo cho học sinh, sinh viên; có phương án đối phó với các tình huống khi có dịch xảy ra trong nhà trường; phát hiện, thông báo kịp thời những trường hợp mắc cúm cho cơ sở y tế gần nhất để phối hợp giám sát và điều trị. Lực lượng công an, quân đội có kế hoạch hỗ trợ về nhân lực, phương tiện khi được điều động, tăng cường giữ gìn an ninh trật tự khi có dịch xảy ra, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo đúng qui định; phối hợp với các tổ chức xã hội vận động nhân dân vệ sinh môi trường, cá nhân, gia đình, làng bản.
Sở Công thương có kế hoạch hướng dẫn phòng, chống dịch tại các khu vực, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn; tăng cường phối hợp với ngành y tế kiểm tra, giám sát các đoàn khách trong và ngoài nước đến từ các nước và vùng có dịch. UBND các huyện, thị, thành phố kiện toàn ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên chuẩn bị sẵn sàng đối phó với đại dịch.
Các tình huống giả định đã được đặt ra. Ngành y tế dựa trên diễn biến thực tế của dịch trong nước và tại tỉnh để đưa ra mức cảnh báo; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các biện pháp khống chế phù hợp; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện các biện pháp ứng phó như: tăng cường giám sát, phát hiện dịch; có phương án điều trị, xử lý khoanh vùng dịch bệnh; xử lý môi trường, tổ chức các đội cấp cứu, phòng chống dịch lưu động; có phương án đảm bảo kinh phí, thuốc, vật tư, hoá chất cho công tác phòng, chống dịch. Ngành phối hợp với quân đội triển khai bệnh viện dã chiến khi cần thiết; phối hợp với các ngành liên quan trong phòng chống dịch và thông tin, tuyên truyền; huy động nguồn nhân lực từ các đơn vị y tế để ứng phó với dịch khi cần thiết; báo cáo kịp thời tình hình dịch với UBND tỉnh và Bộ Y tế.
Sở Tài chính có kế hoạch chi ngân sách, tạo nguồn kinh phí đáp ứng nhu cầu mua thuốc, hoá chất, trang thiết bị, xăng xe; chi phí cho người đi chống dịch, theo dự toán của Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Các cơ quan thông tin, báo chí, phát thanh – truyền hình tăng cường truyền thông đến nhân dân, khuyến cáo phòng, chống dịch; các thông báo, chỉ thị của Ban chỉ đạo, thông tin kịp thời về tình hình dịch cho nhân dân biết để chủ động phòng chống. Ngành giáo dục thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch tại nhà trường; có thể phải cho học sinh tạm nghỉ học trong thời gian dịch lây nhiễm rộng ra cộng đồng.
Các biện pháp phòng cúm A/H1N1 |
Ngành giao thông vận tải huy động phương tiện hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân, máy móc, thuốc, trang thiết bị, con người để thực hiện chống dịch theo theo sự phân công của Ban chỉ đạo tỉnh. Lực lượng công an, quân đội hỗ trợ nhân lực chống dịch khi có yêu cầu; tổ chức tốt giữ gìn an ninh trật tự nơi có dịch; phối hợp với ngành y tế tổ chức chống dịch, cách ly bệnh nhân, dùng các biện pháp cưỡng chế, bắt buộc khi cần thiết. Chính quyền các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn thực hiện các hoạt động giám sát, chủ động phòng chống dịch; đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các biện pháp phòng chống; chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh, chẩn đoán, điều trị, xử lý ổ dịch theo đúng hướng dẫn; cung ứng đủ kinh phí cho phòng chống dịch trên địa bàn; cập nhật thông tin kịp thời, tổng hợp tình hình dịch trên địa bàn báo cáo về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế.
Công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 ở Yên Bái có được thực hiện hiệu quả hay không phụ thuộc vào sự tích cực của các ngành liên quan và ý thức của người dân trước sự nguy hiểm của đại dịch.
Đào Minh