YBĐT – Từ 1/5/2013, Bộ luật Lao động (BLLĐ) (sửa đổi) sẽ được đưa vào áp dụng thực hiện, thay thế cho bộ luật hiện hành. Bộ luật mới đã giải quyết được một số vấn đề còn tồn đọng trong bộ luật cũ và mang tính nhân bản hơn.
Để luật mới được đảm bảo thực hiện tốt nhất, ngay từ bây giờ tổ chức công đoàn (CĐ) các cấp trong tỉnh cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) để tìm hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước khi luật được áp dụng vào thực tiễn.
Theo quy định mới trong BLLĐ (sửa đổi), DN sẽ có nhiều trách nhiệm và chi phí bỏ ra cũng tăng hơn nhiều so với luật hiện hành. Điều đó đồng nghĩa với việc các DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sửa đổi và áp dụng luật mới vào thực tế. Việc đưa luật mới vào hoạt động có thể sẽ gây ra nhiều xáo trộn không chỉ cho các DN mà cả NLĐ cũng sẽ gặp khó khăn.
Tuy nhiên, nếu DN rơi vào tình trạng khó khăn, nhất là vấn đề tài chính thì nguy cơ NLĐ mất việc cũng sẽ gia tăng. Trong BLLĐ mới cũng quy định, người sử dụng lao động được quyền sa thải NLĐ có các hành vi trộm cắp, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy nơi làm việc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động. Điều này trong BLLĐ hiện hành không được quy định.
Một điểm mới trong LLĐ (sửa đổi) có lợi cho DN nữa là cho thuê lại lao động. Với quy định này, các DN sẽ tránh được tình trạng thiếu hụt lao động trong các trường hợp như: lao động nghỉ thai sản, ốm đau, tai nạn… Như vậy, với Bộ luật mới này, DN cần xem xét lại nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể. BLLĐ (sửa đổi), sẽ tăng quyền lợi cho người lao động.
Để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ khi BLLĐ (sửa đổi) được áp dụng, NLĐ cần tìm hiểu và nắm được những nội quy được sửa đổi trong luật mới để tránh mất quyền lợi và vi phạm nội quy DN trong quá trình làm việc. BLLĐ mới được chỉnh sửa theo hướng bảo vệ quyền lợi NLĐ nhiều hơn. Các quy định trong bộ luật mới được sửa đổi rõ ràng và cụ thể hơn luật đang hiện hành. (ví dụ việc quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi…).
Liên quan đến mức lương thử việc của NLĐ, Bộ luật (sửa đổi) tăng mức lương thử việc lên 85% so với 70% của luật hiện hành. Đặc biệt, khi ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động không được giữ bất kỳ giấy tờ tùy thân, văn bằng chứng chỉ gốc của NLĐ và không được yêu cầu NLĐ thế chấp bất kỳ tài sản gì.
Luật mới cũng quy định rõ vai trò của CĐ cấp trên có quyền hỗ trợ và tham gia với CĐ cơ sở thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; đại diện cho CĐ cơ sở, NLĐ khởi kiện trước tòa khi DN có hành vi vi phạm pháp luật; tham gia hỗ trợ CĐ cơ sở tổ chức và lãnh đạo đình công. Đặc biệt, những DN có từ 500 lao động trở lên phải có ít nhất một cán bộ CĐ chuyên trách. Với những quy định mới này, NLĐ sẽ được đảm bảo quyền lợi tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh quyền lợi, NLĐ cũng cần phải nắm rõ nghĩa vụ của mình để thực hiện tốt những quy định của pháp luật và DN. Ngoài việc làm việc theo quy định của NSDLĐ, NLĐ cần phải tìm hiểu để nắm vững những nội dung mà BLLĐ đã quy định. Việc này vừa giúp NLĐ bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình, vừa biết được nghĩa vụ của mình trong DN vì đó là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của NLĐ.
Hiện nay, toàn tỉnh có 77.230 CNVCLĐ, trong đó có trên 26.300 công nhân lao động đang tham gia lao động sản xuất trực tiếp tại các công ty, doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, tổ chức CĐ các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò giám sát thực hiện chính sách pháp luật, quản lý chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ, trong đó tập trung vào một số vấn đề như: tiền lương, điều kiện làm việc, thời gian làm việc thêm giờ, chế độ ốm đau, thai sản đối với nữ công nhân viên chức, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động.
Như vậy, với BLLĐ (sửa đổi) thì tổ chức CĐ các cấp trong tỉnh và cả DN và NLĐ cần phải tích cực tuyên truyền, tìm hiểu để nắm vững được quyền và nghĩa vụ của mình nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của cá nhân và tập thể, góp phần xây dựng mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đ.T