YBĐT – Tháng Sáu được chọn là Tháng hành động vì trẻ em năm 2013 với chủ đề “Tạo cơ hội bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số”. Đây là dịp để các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và cả cộng đồng tăng cường hơn nữa các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp, việc làm cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình chăm sóc, bảo vệ giáo dục trẻ em tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 – 2015. Được biết, hiện số trẻ dưới 16 tuổi toàn tỉnh có khoảng 225.800 em, chiếm gần 32% dân số, trong đó có 64% trong độ tuổi vị thành niên và trẻ em. Tỷ lệ các cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số cũng ở mức cao, riêng 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu có trên 90% là đồng bào Mông.
Bằng cố gắng, nỗ lực của mình, các địa phương đã thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nâng cao nhận thức của nhân dân các dân tộc đối với công tác công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Mỗi ngành, mỗi đoàn thể ở các cấp đã phối hợp chặt chẽ hơn trong tổ chức các hoạt động tại cơ sở, đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực đầu tư cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một số Đảng bộ đã thực hiện nghị quyết chuyên đề, dành sự quan tâm đặc biệt cho những địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Các cơ quan, ban, ngành được giao phụ trách các xã vùng cao đã thể hiện sự chăm lo đó bằng việc tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà cho thiếu nhi vào các dịp tết Nguyên đán, tết Trung thu, động viên những cháu có hoàn cảnh khó khăn vượt khó đạt kết quả học tập tốt.
Hình ảnh các cán bộ, giáo viên ở vùng cao chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết, với khó khăn về nơi ăn chốn ở để ngày ngày đều đặn giúp các em đến trường hay hoạt động của các đội thanh niên tình nguyện ở nhiều thôn bản vùng sâu giúp người dân làm đường giao thông, thu hoạch lúa, tắm gội cho con trẻ, tổ chức các hoạt vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên đã trở nên quen thuộc trong đồng bào.
Ngoài việc thực hiện đúng, đủ chính sách dân tộc đối với con em đồng bào, các dịp lễ tết các em còn được quan tâm thăm hỏi, tặng quà. Các chương trình chung tay vì trẻ em vùng đặc biệt khó khăn được phát động đã giúp cho các cháu ở vùng cao, vùng sâu có tết Trung thu vui vẻ. Những tấm chăn ấm, quần áo, đôi dép, thậm chí là từng cái bát, gói mỳ chính dành tặng trẻ vùng cao và các gia đình ở những nơi đặc biệt khó khăn là sự chia sẻ vô cùng thiết thực.
Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được từng bước hoàn thiện, trong đó nhà văn hóa thôn bản cũng là nơi để trẻ vui chơi, giải trí. Hệ thống trường lớp học được kiên cố, công tác huy động trẻ trong độ tuổi đến trường được coi trọng. Thực hiện Đề án xây dựng trường dân tộc bán trú đã tạo điều kiện để học sinh con em đồng bào vùng sâu, vùng xa có cơ hội đến trường nhiều hơn, tình trạng học sinh bỏ học giảm, nhận thức của đồng bào về việc học hành của con cháu đã chuyển biến rõ rệt.
Tuy nhiên, chúng ta đều nhận thấy khoảnh cách chênh lệch giữa trẻ em ở đô thị với nông thôn, nhất là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc còn quá lớn. Điều kiện kinh tế – xã hội dẫn đến tình trạng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tình trạng trẻ bị xâm hại, trẻ phạm pháp, không ít trường hợp trẻ tử vong thương tâm vẫn diễn ra. Ở các địa phương vùng đặc biệt khó khăn, tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em khá phổ biến. Không ít con em người dân tộc thiểu số chưa được cha mẹ quan tâm chăm sóc nên thể chất kém phát triển, khả năng hòa nhập cộng đồng hạn chế…
Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm nay, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, gia đình và cộng đồng đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tập trung giải quyết tình trạng trẻ bị xâm hại, lạm dụng; xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em… triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia hành động vì trẻ em giai đoạn 2011-2020.
Đây chính là vấn đề đặt ra cho các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể ở Yên Bái, làm sao để các hoạt động chăm sóc, giáo dục bảo vệ trẻ em không chỉ là phong trào diễn ra trong tháng Sáu mà phải trở thành việc làm thường xuyên ở địa phương.
Đặc biệt là phải làm chuyển biến hơn nữa nhận thức về trách nhiệm và khơi dậy sự quan tâm, đóng góp chia sẻ khó khăn với trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh.
Quang Tuấn