YBĐT – Theo số lượng thống kê gần đây thì lượng phế thải trung bình của một giường bệnh dao động từ 2,1 – 2,8kg/giường bệnh/ngày, chỉ số rác thải cho một giường bệnh là 2,45 kg, trong đó tỉ lệ 20 – 25% là chất thải y tế nguy hiểm cần phải xử lý đặc biệt.
Chất thải y tế là các chất phát sinh từ các hoạt động chuyên môn khám, chữa bệnh, chăm sóc, xét nghiệm, nghiên cứu, đào tạo, phòng bệnh… và từ sinh hoạt của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cán bộ, nhân viên bệnh viện và các hoạt động khác. Loại chất thải này bao gồm các dạng lỏng, rắn, khí, nguy hại nhất là các chất thải y tế như: máu, dịch cơ thể, chất bài tiết các bộ phận cơ thể sau phẫu thuật, bơm kim tiêm, vật sắc nhọn, dược phẩm, hóa chất…
Cùng với sự phát triển chung, các cơ sở trong ngành y tế cũng được quan tâm xây dựng mới, nâng cấp cả về quy mô và số lượng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những cơ sở này đã và đang sử dụng các loại thiết bị y tế, hóa chất chuyên dùng để phục vụ công tác điều trị và các công tác khác như các loại dược liệu, hóa chất độc, thiết bị phóng xạ… trong đó có những hóa chất thuộc quy chế quản lý nghiêm ngặt.
Nếu không thu gom và xử lý đúng quy trình thì chất thải y tế sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, nhân viên y tế và khu vực lân cận. Nhiều chuyên ngành trong các cơ sở y tế đã được xếp loại trong danh mục các ngành nghề độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Theo số lượng thống kê gần đây thì lượng phế thải trung bình của một giường bệnh dao động từ 2,1 – 2,8kg/giường bệnh/ngày, chỉ số rác thải cho một giường bệnh là 2,45 kg, trong đó tỉ lệ 20 – 25% là chất thải y tế nguy hiểm cần phải xử lý đặc biệt.
Chỉ tiếp xúc với chất thải bệnh viện cũng có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm như: viêm gan B, HIV/AIDS… lây chéo trong bệnh viện. Đặc biệt, các vật sắc nhọn (mũi kim tiêm) bị nhiễm vi khuẩn sẽ là nguồn lây nhiễm trực tiếp cho những người tiếp xúc với chất thải này và ảnh hưởng nhanh chóng đến sức khỏe con người. Những vật sắc nhọn có thể gây ra những tổn thương kép, gây lây truyền các bệnh truyền nhiễm.
Các đối tượng thường xuyên tiếp xúc với chất thải y tế có nguy cơ tiềm tàng như: bác sỹ, y tá, hộ lý, nhân viên hành chính của bệnh viện; bệnh nhân điều trị nội trú hoặc ngoại trú; người nhà bệnh nhân; những công nhân làm việc trong các dịch vụ hỗ trợ phục vụ cho các cơ sở khám, chữa bệnh, điều trị như: giặt, là, lao công, vận chuyển bệnh nhân và những người bới rác, thu gom rác… Trong đó, các nhân viên là hộ lý, y tá chịu trách nhiệm thu gom, phân loại vận chuyển đến nơi xử lý rác tập trung của từng cơ sở y tế là những người có nguy cơ cao nhất.
Thiết nghĩ, công tác kiểm tra, đánh giá vệ sinh môi trường tại các cơ sở y tế cần được quan tâm, chỉ đạo tập trung, thống nhất trong toàn ngành và cần thực hiện hàng năm để có thể nắm bắt được tác động ô nhiễm môi trường và đưa ra kiến nghị, biện pháp xử lý kịp thời. Nếu giải quyết tốt việc xử lý chất thải tại các cơ sở y tế, ngành y tế nói riêng và toàn xã hội nói chung sẽ loại bỏ được nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc tại các bệnh viện, trạm xá.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái có Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Mù Cang Chải có hệ thống xử lý chất thải hiện đại bằng công nghệ vi sinh và hóa chất do tỉnh Valde Marne (Cộng hòa Pháp) tài trợ. Những cơ sở y tế còn lại tuy chưa có hệ thống xử lý hiện đại nhưng đã có lò xử lý bơm kim tiêm nhựa và chất thải rắn. Việc thu gom tập trung chất thải y tế được xử lý tại chỗ sẽ góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường trong sạch cho cộng đồng nói chung và các cơ sở y tế nói riêng. Công việc này là cả một quá trình bền bỉ phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao, không chỉ riêng đối với ngành y tế mà còn cần có sự quyết tâm liên tục của toàn xã hội.
Thái Hưng